Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chỗ dựa cho người lao động khi rơi vào tình trạng mất việc làm. Song trong quá trình triển khai thực hiện, đã có những bất cập và không ít lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách đăng ký trợ cấp thất nghiệp (TCTN) để trục lợi.
Nhiều hình thức gian lận
Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cả nước có 209,9 nghìn người hưởng chế độ thất nghiệp. Số tiền chi từ quỹ BHTN lên đến 1.363,4 tỷ đồng. Tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thêu (Phó Trưởng phòng BHTT, Trung tâm Dịch vụ việc làm) cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 5, toàn thành phố có 11,8 nghìn người có quyết định hưởng TCTN, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 36,5%. Mới đây, qua rà soát tại cơ quan BHXH Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong năm 2013 có 63 người bị thu hồi TCTN.
Theo bà Phạm Thị Thêu, “thực tế số lao động bị thu hồi TCTN lớn hơn con số này rất nhiều. Những trường hợp bị phát hiện chỉ là khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội của lần tiếp theo do có việc làm mới, khi đó cơ quan bảo hiểm xã hội mới rà soát, phát hiện được và thông báo với Trung tâm ngay để cắt hồ sơ, thu hồi tiền TCTN”.
Tình trạng vi phạm, gian lận quỹ BHTN xảy ra phần lớn do sự không trung thực của người lao động và doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Thêu cho biết, vẫn có không ít lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách đăng ký trợ cấp thất nghiệp để trục lợi. Điển hình và phổ biến nhất là trường hợp người lao động tìm được việc làm nhưng không khai báo để tiếp tục nhận TCTN. Ngoài ra còn có tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, hay hiện tượng người lao động di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian, người lao động quay lại đúng với doanh nghiệp cũ.
Một dạng lách luật hưởng BHTN khác đang được cảnh báo là người lao động và doanh nghiệp thông đồng với nhau để hưởng TCTN. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc trong thời gian ngắn, sau khi hoàn tất các thủ tục hưởng TCTN thì nhận vào làm việc lại như bình thường.
Giám sát đã khó, việc thu hồi số tiền chi trả cũng không hề dễ. Khi phát hiện vụ việc gian lận, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quyết định cắt trợ cấp và thu hồi tiền TCTN. Nhưng nhiều trường hợp cố tình không trả hoặc “bặt vô âm tín”, không liên hệ được.
“Thường địa chỉ lưu trên hồ sơ của người lao động là địa chỉ trên chứng minh thư. Bởi vậy khi tiến hành đi đòi, dù chúng tôi đã tìm đến địa chỉ đó nhưng thường chỉ còn cha mẹ họ hoặc đã chuyển nhà, đi lấy chồng, đi làm ăn xa… Rất nhiều lí do để người lao động không lộ diện mà chúng tôi không có cách nào tìm ra được”, bà Phạm Thị Thêu cho hay.
Khó thoát…
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc trục lợi quỹ BHTN trở nên dễ dàng chính việc đăng kí hưởng TCTN hiện khá dễ dàng. Đối với lao động nếu có đủ các loại giấy tờ gồm: Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ bảo hiểm xã hội; chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Bên cạnh đó, quy định về BHTN ban hành chưa đầy đủ nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Hiện, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực BHTN giữa cơ quan tiếp nhận, đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng trợ cấp (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) với đơn vị chi trả trợ cấp (Bảo hiểm Xã hội tỉnh) chưa thường xuyên khiến việc triển khai BHTN còn bất cập.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho hay, hiện tại không có phần mềm liên thông giữa Bảo hiểm Xã hội thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm nên việc trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm soát quá trình tham gia BHTN của người lao động. Cùng với đó, công tác đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực vẫn còn gặp khó khăn do chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp người lao động không trung thực trong việc không thông báo tình trạng việc làm thực với Trung tâm dịch vụ việc làm.
Tuy nhiên, dù chính sách và các quy định có phần lỏng lẻo nhưng bà Phạm Thị Thêu khẳng định, người lao động khó thoát được việc truy thu số tiền TCTN đã trục lợi. Theo bà Thêu, dù các phần mềm quản lí liên thông vẫn còn hạn chế, tuy nhiên việc quản lý việc đóng góp, chi trả các loại hình thuộc bảo hiểm xã hội trong đó có BHTN luôn được ghi rõ ràng và đầy đủ trong sổ bảo hiểm xã hội của người dân.
“Có thể ngay bây giờ người lao động không chịu trả số tiền TCTN đã bị chi sai, nhưng chỉ cần họ tiếp tục đi làm, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội thì ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ phát hiện ra. Thậm chí, nếu người lao động trây ì, đến tận lúc về hưu, họ sẽ không nhận được tiền hưu trí nếu chưa trả những số tiền đã nợ đọng cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Trục lợi BHTN chắc chắn sẽ bị thu hồi, chỉ có điều không sớm thì muộn mà thôi”, bà Phạm Thị Thêu khẳng định.
Quy định về BHTN theo Luật Việc làm:
Mức đóng BHTN hiện nay được quy định hàng tháng, doanh nghiệp đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng vào Quỹ BHTN với tỷ lệ đóng là 2 % (trong đó doanh nghiệp đóng 1% và người lao động đóng 1% tiền lương tháng). Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Mức TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng TCTN được quy định như sau: 3 tháng, nếu có từ đủ 12-36 tháng đóng BHTN; 6 tháng, nếu có từ 36-72 tháng đóng BHTN; 9 tháng, nếu có từ đủ 72-144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohaiquan.vn)