Được biết, nhằm phát triển doanh thu cũng như nâng cao chất lượng phục vụ năm 2015, Bảo Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số ngân hàng để phát triển doanh thu kênh bán lẻ. Đối với việc khai thác bảo hiểm tai nạn qua sự hợp tác với các công ty tài chính, năm qua, Bảo Minh đã hợp tác nhiều hơn với các tổ chức tín dụng trong phân phối sản phẩm.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2016, ngoài việc sửa đổi, xây dựng mới các sản phẩm bảo hiểm con người bán qua các tổ chức tín dụng, hãng bảo hiểm này dự kiến tiếp tục thúc đẩy các đơn vị triển khai hợp tác với các ngân hàng đã ký thỏa thuận như Techcombank, Maritime Bank, VPBank hay HDBank… để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.
Trong khi đó, tận dụng ưu thế của mình, thời gian qua, BIC cũng phối hợp với BIDV đưa ra nhiều chương trình khuyến mại lớn để thu hút khách hàng của BIDV. Cụ thể, 400 khách hàng đầu tiên giải ngân theo chương trình tín dụng cho vay nhà ở “Tổ ấm bình an 2016” của BIDV sẽ được tặng ngay sản phẩm bảo hiểm cho người vay vốn – BIC Bình An hay những khách hàng đang gửi tiền tại BIDV với số dư tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên và tham gia sản phẩm BIDV -Tiền gửi song hành với món gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được tặng ngay sản phẩm bảo hiểm chủ sổ tiết kiệm của BIC.
Khách hàng sở hữu sản phẩm bảo hiểm chủ sổ tiết kiệm của BIC sẽ được bảo vệ trước nhiều rủi ro, bao gồm: tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn; mất số tiền đang gửi tiết kiệm do giao dịch gian lận; mất hoặc thất lạc sổ tiết kiệm cùng những giấy tờ tùy thân được sử dụng để thực hiện giao dịch tiền gửi. Tổng mức chi trả tối đa lên tới 1 tỷ đồng….
Ngoài BIC đang phát huy khá tốt thế mạnh của mình thì các hãng bảo hiểm như MIC, ABIC…, những hãng có thế mạnh công ty mẹ là ngân hàng cũng đang phát triển rất tốt mảng bảo hiểm này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, phân khúc bảo hiểm liên kết với các tổ chức tín dụng có tiềm năng phát triển rất lớn vì dư nợ tín dụng đang ngày càng tăng cao. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng cũng có nhu cầu hợp tác với các hãng bảo hiểm vì việc hợp tác này không chỉ đem lại nguồn doanh thu phí cao, mà còn đảm bảo được khả năng chi trả khoản vay của khách hàng.
Tất nhiên, dù tiềm năng có thể nhìn thấy được, nhưng không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng triển khai tốt những sản phẩm này. Ngoài những hãng bảo hiểm có thế mạnh về sự liên kết với các ngân hàng và đã thiết kế những sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho khách hàng ở những phân khúc này trên thị trường, nhiều công ty bảo hiểm vẫn lấy sản phẩm bảo hiểm tai nạn thông thường để áp dụng cho sản phẩm bảo hiểm tín dụng.
Theo các chuyên gia trong ngành, những sản phẩm bảo hiểm liên quan đến các công ty tài chính hiện nay thường có tỷ lệ bồi thường chung không quá cao (thậm chí, nếu chỉ bán sản phẩm bảo hiểm tai nạn thì tỷ lệ bồi thường còn thấp). Tuy nhiên, do cơ chế khai thác doanh nghiệp bảo hiểm phải trả lại chi phí cho các ngân hàng thường khá cao nên với những công ty bảo hiểm không có thế mạnh cổ đông lớn là ngân hàng thì đây cũng không phải là sản phẩm đem lại hiệu quả lợi nhuận cao, nếu chỉ khai thác khách hàng cá nhân.
Tất nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn muốn thúc đẩy hợp tác với các định chế tài chính, bởi ngoài nguồn khách hàng cá nhân dồi dào thì các ngân hàng còn có nguồn khách hàng tiềm năng lớn là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng. Ngoài ra, theo xu thế chung, các hãng bảo hiểm cũng đang chú trọng đến việc đẩy mạnh hợp tác với các công ty tài chính – định chế tài chính đang rất phát triển và cũng có nguồn khách hàng cá nhân đầy tiềm năng.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)