Mới đây, tàu H29 chở 30 cán bộ, công nhân viên CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPIPE) đã bị lật tại địa phận huyện Cần Giờ, TP. HCM, khiến 9 người thiệt mạng. Chỉ có 1 trong số 9 người này mua bảo hiểm.
DN bảo hiểm cần có các khuyến cáo thiết thực cho bên mua bảo hiểm
PVI hỗ trợ cho cả người không mua bảo hiểm
Trao đổi với ĐTCK, Bảo hiểm PVI cho biết, trong số 9 người bị thiệt mạng kể trên chỉ có 1 người mua bảo hiểm PVI, đó là ông Nguyễn Bá Đức, tham gia bảo hiểm tai nạn cá nhân tại Bảo hiểm PVI Sông Tiền, với giá trị bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/người.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bảo hiểm PVI Sông Tiền đã phối hợp với Bảo hiểm PVI Vũng Tàu nhanh chóng tới Trung tâm cứu hộ và bệnh viện địa phương để động viên, hỗ trợ thân nhân khách hàng tử nạn. Cụ thể, hai đơn vị này đã thành lập đoàn đại diện gồm Ban lãnh đạo và một số cán bộ, nhân viên đến thăm hỏi, động viên và chi trả số tiền bảo hiểm cho gia đình nạn nhân Nguyễn Bá Đức.
“Rất tiếc là trong 9 người thiệt mạng chỉ có 1 người mua bảo hiểm PVI. Thậm chí, theo tìm hiểu của chúng tôi thì 8 người còn lại cũng không tham gia bảo hiểm tai nạn cá nhân tại DN nào. Ban lãnh đạo PVI đang xem xét mức hỗ trợ nhân đạo đối với 8 nạn nhân xấu số, có thể ở mức 5 triệu đồng/người, dù không nhiều nhưng thể hiện tình tương thân, tương ái của nhà bảo hiểm với những người không may gặp hoạn nạn lại không có bảo hiểm”, đại diện Bảo hiểm PVI nói.
Câu chuyện của ngành bảo hiểm
Theo nguồn tin ban đầu, tàu H29 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cung cấp cho lực lượng biên phòng để phục vụ nhiệm vụ tuần tra, không phải để chở khách. Hơn nữa, tại thời điểm bị nạn, tàu đang trong quá trình sửa chữa, hoàn thiện, chủ tàu tự ý lấy đi chở khách. Trong trường hợp chủ tàu không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, những người ngồi trên tàu sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu không có bảo hiểm cá nhân.
“Thực ra, đối với bảo hiểm tai nạn con người, dù là nguyên nhân nào, nếu không phải cố tình như tự tử thì cứ có tai nạn về người là đều được bảo hiểm. Với vụ việc chìm tàu tại Cần Giờ vừa qua, nếu tàu hoạt động theo đúng quy chuẩn về tàu và người, cũng như tàu có đủ trang thiết bị cứu hộ cần thiết thì sẽ tránh được sự cố. Sự cố dạng này không phải là mới, cần có giải pháp để tránh rủi ro không đáng có”, giám đốc ban hàng hải của một DN bảo hiểm nói.
Theo giám đốc ban xe – con người của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, các DN nên quan tâm đến việc mua bảo hiểm cho người lao động, không chỉ cho khối nhân sự làm hành chính văn phòng, mà cho cả công nhân viên, vì đó là những người thường đối diện trực tiếp với các rủi ro.
Từng là tư vấn pháp lý cho nhiều vụ việc liên quan đến đắm tàu do nguyên nhân bất khả kháng cũng như do sự vô tâm của con người, một luật sư chia sẻ: “Vẫn biết, đây là công việc của nhiều bên liên quan, nhưng thiết nghĩ, ngoài việc kiểm tra chặt chẽ bằng lái, định biên, đội ngũ thuyền viên trên tàu đủ khả năng đi biển, đưa ra các tư vấn trước khi bán bảo hiểm cũng như túc trực giải quyết khâu bồi thường khi tai nạn xảy ra, thì các nhà bảo hiểm cần quan tâm hơn đến việc đưa ra các khuyến cáo thiết thực cho bên mua bảo hiểm là DN hay phía chủ tàu, nhằm tăng an toàn lao động cho con người, cũng như an toàn trong hoạt động của tàu”.
Thực tế, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, vẫn còn tình trạng chủ tàu nhỏ thuê lái tàu không có nhiều kinh nghiệm, chủ tàu gặp khó khăn về tài chính gây nguy cơ rủi ro cao, tàu chở hàng khô nhưng lại chuyển sang chở cát… Vì vậy, Hiệp hội khuyến cáo, các DN bảo hiểm cần đưa ra chế tài cho tổn thất do sơ suất, lỗi lầm của thuyền viên. Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm không nên phân cấp bồi thường cho chi nhánh khi năng lực chi nhánh chưa đủ khả năng đánh giá rủi ro…