Thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT không ngừng gia tăng, đến hết năm 2012, độ bao phủ BHYT đã đạt con số 66,8%. Số người tham gia BHYT tăng nhanh đồng nghĩa với việc quyền chăm sóc sức khỏe của nhân dân được đảm bảo. Tuy nhiên, số lượng thẻ BHYT cần phát hành tăng đột biến cũng đã dẫn tình trạng cấp thẻ trùng, thừa, gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước. Tìm giải pháp cho công tác cấp, quản lý thẻ BHYT đang là vấn đề được đặt ra không chỉ với riêng Ngành BHXH mà còn với cả các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, việc phân thành quá nhiều nhóm đối tượng (Luật chia thành 25 nhóm nhưng trên thực tế đối chiếu với từng nhóm quyền lợi thì có tới 33 nhóm) dẫn đến nhiều khó khăn trong úa trình tổ chức thực hiện vì quá nhiều đầu mối quản lý đối tượng, dẫn đến chồng chéo. Một số đối tượng không rõ cơ quan, đơn vị nào là đầu mối quản lý để lập danh sách cũng như đóng BHYT (như nhóm trẻ em dưới 06 tuổi có những trường hợp không có giấy khai sinh, không đăng ký hộ khẩu hay trẻ em ở tỉnh khác đổi nơi cư trú theo cha mẹ làm việc tại các khu công nghiệp; người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…), dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng không được cấp thẻ. Trong khi đó, lại có những trường hợp thuộc quá nhiều đối tượng, mỗi đối tượng lại do một đầu mối quản lý khác nhau, tất cả các đơn vị đầu mối quản lý đều lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng, dẫn tới tình trạng 01 người có 02 đến 03 thẻ BHYT, cá biệt có trường hợp một người có tới 06 thẻ BHYT. Điều đáng nói là đối tượng cấp trùng thẻ hầu hết đều do ngân sách nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ.
Để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát tình hình cấp thẻ BHYT tại các địa phương. Tính đến ngày 17/07/2013, theo báo cáo của 43/63 BHXH tỉnh, thành phố, đã có 739.079 thẻ BHYT cấp trùng. Một số địa phương có số lượng thẻ BHYT cấp trùng cao như Vĩnh Phúc (59.411), Hà Nội (52.740), thành phố Hồ Chí Minh (42.127)… Các nhóm đối tượng cấp trùng thẻ bao gồm: Trẻ em dưới 06 tuổi (333.722), người nghèo (261.291), bảo trơ xã hội (47.146), thân nhân quân đội (22.815), người có công với cách mạng (15.130), cận nghèo (13.133), thân nhân người có công (11.647), cựu chiến binh (10.257), học sinh, sinh viên (8.821), người hoạt động kháng chiến (7.583), thân nhân công an (5.675), đại biểu Hội đồng nhân dân (1.849), cán bộ xã đã nghỉ việc hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước hàng tháng (374)…
Cũng qua khảo sát, có thể thấy những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng cấp trùng thẻ BHYT xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách và công tác phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện, tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu như:
– Theo quy định, một người có thể thuộc nhiều nhóm khác nhau được ngân sách nhà nước mua BHYT và thuộc nhiều cơ quan khác nhau chiu trách nhiệm lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc rà soát, đối chiếu danh sách không được phân định rõ. Các đơn vị chuyên môn của xã, phường, thị trấn không rà soát các đối tượng tham gia BHYT trước khi trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách.
– Danh sách thiếu thông tin (chỉ có năm sinh, địa chỉ không rõ ràng) nên không thể xác định được việc trùng lập. Thời hạn cấp thẻ trong 10 ngày với số lượng thẻ của các đối tượng kể trên thường là rất lớn (hàng vạn người/một đợt phê duyệt cấp thẻ) dẫn tới áp lực công việc, việc rà soát, đối chiếu danh sách không khỏi nhầm lẫn, thiếu sót.
– Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các sở, ban ngành và các đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHYT trong việc rà soát danh sách cấp thẻ BHYT. Cơ sở dữ liệu nằm phân tán, việc kiểm tra trùng lặp hoàn toàn thủ công. Thẻ BHYT đang cấp hiện nay vẫn là thẻ giấy. Mã thẻ BHYT của đối tượng không cố định, chưa có mã định danh trên thẻ nên khó thống kê, theo dõi quá trình tham gia hoặc đi khám, chữa bệnh một cách hệ thống, khó phát hiện cấp trùng thẻ.
– Người tham gia BHYT di chuyển địa bàn cư trú, nhiều trường hợp cha mẹ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi ở nơi cư trú mới, mặc dù đã được cấp thẻ BHYT ở nơi cư trú trước đó. Có không ít trường hợp trẻ em đăng ký hộ khẩu một nơi, cư trú một nơi và được cấp thẻ BHYT ở cả hai nơi…
Một nguyên nhân khác cũng đáng lưu tâm là ý thức của người được hưởng chế độ ưu đãi về BHYT. Mỗi người chỉ cần 1 thẻ BHYT để khám chữa bệnh, nhưng khi xảy ra nhầm lẫn, được nhận nhiều hơn một thẻ thì hầu như chẳng ai lên tiếng, báo lại cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh.
Theo dự thảo sửa đổi Luật BHYT đang được lấy ý kiến đóng góp, đề xuất BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Các nhóm đối tượng cũng được đề nghị sửa đổi, sắp xếp lại để có thể thực hiện theo hộ gia đình với một số đối tượng. Dự thảo Luật cũng quy định, UBND cấp xã sẽ là cơ quan đầu mối duy nhất có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT, vì đây là cơ quan hành chính cơ sở trực tiếp quản lý người dân. Cùng với các quy định về giảm nhóm đối tượng, tập trung đầu mối quản lý nhằm giảm thiểu trùng chéo thì giải pháp hiện đại hóa quản lý bằng công nghệ thông tin, hướng tới cấp thẻ BHYT bằng thẻ điện tử thay thế cho thẻ giấy, mã số thẻ BHYT được sử dụng bằng chính mã số công dân định danh duy nhất sẽ là các giải pháp nhằm thực hiện tốt quy định: Mỗi người chỉ được cấp 01 thẻ BHYT. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn, các địa phương, cơ quan, ban ngành cần tăng cường phối hợp trong quy trình cấp thẻ để hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ./