ai nạn lao động (TNLĐ) với những hệ luỵ to lớn, ảnh hưởng không chỉ đời sống mỗi gia đình, mà còn tới an sinh xã hội. Những năm gần đây, tình hình TNLĐ tăng cao, diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên chính sách xã hội đối với đối tượng công nhân sau TNLĐ vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn.
Những con số báo động
Nếu người dân Hà Tĩnh không quên ngày 25.3.2015 tại Vũng Áng, TNLĐ làm 13 người chết, 29 người bị thương, thì người dân ĐBSCL vẫn nhớ như in ngày sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (26.9.2007) khiến 55 người chết và hàng chục người bị thương.
Cả hai vụ TNLĐ ở hai đầu đất nước, xảy ra cách nhau đến 8 năm nhưng đều có điểm chung là công trình có quy mô đầu tư lớn, xây dựng hiện đại và do nhà thầu chính là người nước ngoài điều hành. Những tưởng các công trình được cho là tuyệt đối an toàn và tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng lại xảy ra TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng. Và sau sự cố cả hai đều chỉ biết cúi đầu xin lỗi.
Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ, làm 7.785 người bị nạn. Trong đó có 629 vụ tai nạn lao động chết người làm 666 người chết; 79 vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên; số người bị thương nặng: 1.704 người; nạn nhân là lao động nữ: 2.432 người. Gần bằng số người bị nạn và tử vong do tai nạn giao thông. Chi phí khắc phục hậu quả TNLĐ (bao gồm tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương…) lên tới gần 154 tỉ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỉ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 99.679 ngày.
Theo Cục An toàn lao động thuộc Bộ LĐTBXH, đó chỉ là những vụ đã biết, có báo cáo thống kê, chiếm chưa tới 8%, còn thực tế, số vụ TNLĐ còn nhiều hơn.
Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) – cho biết, với những trường hợp TNLĐ được Báo Lao Động phản ánh trong loạt bài vừa qua, tôi thấy chúng ta cần phải có những hành động kịp thời, đồng bộ để những người lao động (NLĐ) không bị đẩy đến những hoàn cảnh bi ai như vậy. Chúng ta cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm của mình dẫn đến tai nạn trong lao động.
Công nhân sau TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, kinh tế của bản thân, mà cả một thế hệ sau là con cái họ có thể đứng trước nguy cơ đói ăn, thất học khi người trụ cột lao động, trụ cột kinh tế của gia đình không còn khả năng lao động. Tuy nhiên,theo ông Thơ, những chính sách hiện hành chưa đáp ứng được so với thực tiễn. “Ngoài hậu quả gây chết người, thương tật và thiệt hại về của cải vật chất, tài sản do TNLĐ thì các hậu quả xã hội cũng rất lớn.
Theo các báo cáo thống kê chính thức, thiệt hại vật chất do máy móc, thiết bị, nhà xưởng bị hư hỏng vào khoảng hàng trăm tỉ đồng/năm; tiền bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động cho NLĐ đang tăng rất nhanh, đến nay là hàng trăm tỉ đồng mỗi năm; thiệt hại do phải nghỉ việc trung bình khoảng 600.000 ngày công/năm. Ngoài ra, những hệ lụy xã hội đối với người thân của người bị nạn đang là gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước và toàn xã hội trong những chương trình hỗ trợ của Nhà nước (bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm học phí, viện phí…), cũng như những chương trình thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân” – ông Thơ nói.
Đến nay đã có khoảng 12 triệu lao động trong tổng số 18 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động tham gia BHXH. Còn khoảng 35 triệu lao động trong khu vực không có quan hệ lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, như vậy là còn hơn 40 triệu lao động chưa được tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Phải truy cứu trách nhiệm bồi thường
Thực tế, sau rất nhiều vụ TNLĐ, trách nhiệm của người sử dụng lao động thường rất nhẹ nhàng, vì họ có thể “lách luật” bằng cách không ký hợp đồng lao động; không mua bảo hiểm cho NLĐ… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh để “truy” trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Vấn đề này, ông Thơ thừa nhận: “Ngoài mức đóng quỹ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp còn phải bỏ ra mức chi phí bình quân hằng năm tính theo các ngành, dao động tương đương từ 0,04-0,87% quỹ lương để chi trả các khoản bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động, chi phí y tế, tiền lương nghỉ việc trong những ngày điều trị và một số chi phí khác. Các ngành mà doanh nghiệp phải bỏ mức chi phí cao là khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, dệt may, da giày, chế biến gỗ. Chi phí bình quân chung của tất cả các ngành trong giai đoạn từ 2009-2011 là 0,21-0,3%.
Mức chi cụ thể phụ thuộc vào tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp xảy ra tại từng doanh nghiệp. Có sự dao động lớn giữa các doanh nghiệp, từ 0-7,7% tổng quỹ lương. Nhưng, hiện vẫn đang còn rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, dẫn đến nhiều lao động sau khi bị TNLĐ đã không được chi trả đầy đủ các chế độ TNLĐ, nhiều doanh nghiệp xem việc đưa cho người lao động một số tiền lo chi phí y tế, chi phí khác là sự hỗ trợ, hảo tâm của doanh nghiệp; nhiều NLĐ và người thân chưa biết được những quyền lợi cơ bản sau khi bị TNLĐ, do đó các cơ quan quản lý nhà nước cần có khảo sát, điều tra, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm bồi thường, chi trả của người sử dụng lao động.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)