Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ- TB&XH, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức sơ kết Chương trình giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2015. Theo đó tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đóng BHXH tiếp tục là vấn đề bức xúc, đòi hỏi sớm phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
60% doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Theo ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có hiện tượng một số DN “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, dẫn đến tình trạng là DN cũ “biến mất” trong khi DN mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỷ đồng. “Người lao động trở thành con tin giữa cơ quan BHXH với DN, bởi khi DN chưa đóng, chưa trả nợ BHXH thì người lao động chưa được giải quyết quyền lợi BHXH dù có bị ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc về hưu cũng chưa được chốt sổ để đi tìm việc ở nơi khác. Trong khi hàng tháng đều đã trừ tiền đóng BHXH (khoảng 10,5%) từ tiền lương, tiền công của người lao động”.
Thực tế qua giám sát của Đoàn liên ngành Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ–TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thực hiện pháp luật về BHXH tại 16 DN trên địa bàn 6 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng tháp và An Giang, với thời gian từ ngày 5-10-2015 đến hết ngày 13-11-2015 đã cho thấy có rất nhiều vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về BHXH. Cả 6 tỉnh trong diện giám sát đều có DN nợ BHXH với tổng số nợ BHXH hơn 433 tỷ đồng. 15/16 DN thường xuyên đóng BHXH chậm theo quy định của Luật BHXH, ít nhất từ 1 – 2 tháng trở lên. Trong đó có 3 DN nợ dây dưa, kéo dài trên 2 năm, 2 DN nợ trên 6 tháng. Tổng số chậm đóng và nợ BHXH của 16 DN là 31.006.702.234 đồng. Vì vậy, đến thời điểm giám sát, có 125 người lao động nghỉ chế độ ốm đau, thai sản chưa được giải quyết chế độ và 348 người lao động nghỉ việc nhưng chưa được chốt sổ để xác nhận thời gian có đóng BHXH do DN còn đang nợ BHXH.
Đáng chú ý, tỉ lệ trung bình số DN đăng ký tham gia BHXH trên tổng số DN đăng ký hoạt động chỉ chiếm 40% và tỷ lệ DN nợ BHXH trên số DN tham gia đóng BHXH là 44,9%. Số liệu này cho thấy: cứ 100 DN hoạt động thì chỉ có 40 DN đăng ký đóng BHXH, và trong số 40 DN đóng BHXH thì có đến 18 DN nợ BHXH – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính thông tin.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Phải khởi tố hình sự doanh nghiệp chây ì đóng BHXH để đảm bảo tính răn đe và tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật về BHXH. Ảnh tư liệu
Không để người lao động trở thành “con tin”
Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, những vi phạm được phát hiện qua giám sát nói trên thực tế đã tồn tại trong nhiều năm qua. Hiện nay các quy định pháp luật đã chặt chẽ hơn và các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc một cách có hệ thống song vi phạm vẫn không giảm thì trước hết cần làm rõ trách nhiệm từ phía công tác quản lý Nhà nước. Đồng tình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Chính sách đúng nhưng việc triển khai thi hành không tốt sẽ giảm tính ưu việt của chính sách. Hiện lực lượng thanh tra của ngành LĐ-TB&XH chỉ có khoảng 502 người. Trong đó lĩnh vực lao động chỉ có khoảng 200 người. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các hoạt động thanh tra, giám sát. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, còn nhiều DN chưa tham gia đóng BHXH vì cơ quan quản lý Nhà nước chưa nắm được số lượng đối tượng trong diện tham gia BHXH.
Phản ánh vướng mắc khi đưa chính sách vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, theo quy định của Luật BHXH mới, các cấp công đoàn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực BHXH. Tuy nhiên Luật BHXH đã có hiệu lực từ 1-1-2016 còn Bộ luật Tố tụng dân sự thì phải đến 1-7-2016 mới có hiệu lực thi hành. Điều này đã tạo ra một khoảng trống pháp luật bắt người lao động phải chờ nếu có vụ việc phát sinh.
Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh tình trạng còn 60% DN nợ BHXH là điều đáng phải suy nghĩ – Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong năm 2016 phải đưa một số trường hợp DN có vi phạm pháp luật về BHXH để khởi kiện ra tòa hình sự nhằm răn đe và tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật về BHXH đối với các DN. Cùng với đó tăng cường chuyển giao hoạt động giám sát cho Liên đoàn lao động ở các địa phương, tập trung vào 15 địa phương có số thu thuế nhiều. Đoàn liên ngành Trung ương có thể chọn giám sát Hà Nội, TP HCM (là 2 TP lớn, có số thu thuế nhiều), tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Dương. Qua giám sát phát hiện kịp thời các vấn đề cấp bách, có những giải pháp căn cơ, đồng bộ để nâng trách nhiệm đóng BHXH của chủ DN.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động. “Không để tình trạng người lao động tiếp tục trở thành con tin”- ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Ngoài tình trạng chậm đóng BHXH, qua giám sát cũng phát hiện nhiều DN đăng ký và tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ cho người lao động (7/16 DN). Việc ký kết HĐLĐ còn chưa đúng với quy định của pháp luật (ví dụ: không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ thời vụ cho lao động thường xuyên tại DN, hoặc thỏa thuận đóng BHXH tự nguyện thay vì phải đóng BHXH bắt buộc). Có 1.985 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN bắt buộc nhưng DN chưa đăng ký tham gia đóng BHXH và 1.106 trường hợp DN báo cáo là ký HĐLĐ dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH. Đa số các DN chỉ tạm ứng cho người lao động khi có phát sinh nghỉ ốm đau, thai sản và dưỡng sức phục hồi sức khỏe nhưng chưa kịp thời sau 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật BHXH (kể cả DN ít lao động), các DN đều chờ cơ quan BHXH quyết toán mới chi trả đủ cho người lao động. Việc quản lý sổ BHXH của DN cũng chưa đúng quy định. Tại thời điểm giám sát, có 6 DN đang giữ 996 sổ BHXH của người lao động đã nghỉ việc và 3 DN chưa đóng được BHXH cho 113 trường hợp do người lao động không nộp được sổ BHXH cũ về đơn vị mới. Một số DN không biết quy định của BHXH Việt Nam là sau 12 tháng nghỉ việc, người lao động không đến nhận sổ BHXH thì DN phải bàn giao lại sổ BHXH cho cơ quan BHXH quản lý. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo phapluatxahoi.vn)