Theo quy định mới nhất của Thông tư số 22/2016 do Bộ Tài chính vừa ban hành, kể từ ngày 1/4/2016, mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đối với sự thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra sẽ được nâng lên 100 triệu đồng/người/vụ, thay vì mức 70 triệu đồng/người/vụ như hiện nay.
Theo đó, chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) việc thanh toán chi phí bảo hiểm thành 2 đợt, với tiến độ 50% phí cho mỗi đợt. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định và các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho DNBH.
Thời hạn thanh toán bồi thường của DNBH là 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải xác minh hồ sơ…
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do người điều khiển xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dành cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn, tăng 10 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Đại diện Bảo Minh cho biết, trước khi ban hành thông tư này, Bộ Tài chính cùng các cơ quan hữu quan và các DNBH đã khảo sát tình hình thực tế liên quan đến chi phí bồi thường và ý kiến từ đại diện các chủ xe (là người trực tiếp chi trả trong các vụ tai nạn). Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc nâng mức trách nhiệm bồi thường về người từ 70 triệu đồng/người/vụ lên 100 triệu đồng/người/vụ và 50 triệu đồng/vụ cho thiệt hại về tài sản do xe môtô (hoặc tương tự gây ra) hoặc 100 triệu đồng thiệt hại về tài sản trong 1 vụ tai nạn do ô tô hay phương tiện tham gia giao thông tương tự là phù hợp. Hiện các DN cũng đã sẵn sàng triển khai theo Thông tư 22/2016/TT-BTC.
Theo ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc Marketing Liberty, DN hoàn toàn ủng hộ việc nâng mức trách nhiệm, vì tính mạng con người là quan trọng, trong khi mức trách nhiệm hiện nay thấp quá.
Đứng từ quan điểm cá nhân, ông Khánh chia sẻ rằng, nếu việc bồi thường là để góp phần mang đến thu nhập thay thế cho người thân của người bị hại thì nên quy định mức bồi thường tối thiểu không nên chỉ là 100 triệu đồng/người, mà cần nâng hơn nữa, cụ thể là 700 triệu đồng/người.
“Nếu nạn nhân là một người trụ cột gia đình thì người thân có thể gửi tiết kiệm số tiền này vào ngân hàng và nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lương tối thiểu của vùng 1 hiện nay”, ông Khánh nhìn nhận. Đồng ý rằng việc nâng mức trách nhiệm lên cao như vậy sẽ dẫn đến việc tăng phí bảo hiểm, tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, chủ xe có thể bỏ ra từ 300 triệu đến hàng tỷ đồng để mua một chiếc xe hơi thì cũng không quá khó khăn với vài triệu đồng phí bảo hiểm.
“Hơn nữa, tăng mức trách nhiệm bồi thường lên 10 lần không có nghĩa là phải tăng phí lên 10 lần”, ông Khánh nói thêm.
Với mức bồi thường 700 triệu đồng/người/vụ, nếu nạn nhân là một người trụ cột gia đình thì người thân có thể gửi tiết kiệm số tiền này vào ngân hàng và nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lương tối thiểu của vùng 1 hiện nay.
Việc tiếp tục nâng mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm lên mức cao hơn là một ý tưởng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường bảo hiểm thế giới và khu vực. Tuy nhiên, như thường lệ, sự thay đổi này sẽ cần phải có lộ trình.
Được biết, để chuẩn bị thực hiện quy định mới này từ 1/4/2016, hiện các DNBH, đặc biệt là những DN trong nước đang nỗ lực tiến hành thu hồi lại tất cả các ấn chỉ đã ban hành để sửa lại mức trách nhiệm mới. Sẽ có những khó khăn nhất định bởi việc này không chỉ khiến DN phát sinh thêm chi phí mà còn phát sinh thêm rất nhiều quy trình khác, vì DNBH phải làm việc với hàng ngàn, thậm chí là chục ngàn đại lý để thu hồi lại, sau đó lại phải phát hành các ấn chỉ mới.
Đối với một số công ty bảo hiểm nước ngoài, vì không sử dụng hệ thống đại lý chân rết như các công ty trong nước nên những công ty này chỉ cần in phôi trang bìa theo quy định của Bộ Tài chính, còn nội dung trong giấy chứng nhận bảo hiểm thì lại in ra từ hệ thống. Vì thế, công ty không cần phải mất nhiều thời gian cho việc thu hồi ấn chỉ cũ, in ấn và phân phối ấn chỉ mới như các DN khác.
Một số DNBH nhận định, do mức trách nhiệm tăng thêm mức khoảng gần 50% trong khi mức phí bảo hiểm không được tăng, hoặc tăng không lớn (đối với một số loại ô tô) nên chắc chắn tỷ lệ bồi thường đối với dòng sản phẩm này sẽ tăng lên.
Bảo hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)