Bắt mua bình cứu hỏa ô tô, ai sẽ bảo hiểm cho bình?

Quy định bắt buộc ô tô từ 4 chỗ trở lên phải có bình cứu hỏa kể từ ngày 6/1 theo Thông tư 57/2015/TT-BCA đang khiến sản phẩm này trở nên “sốt xình xịch”. Nguồn cung bình cứu hỏa từ đó cũng ngày càng lớn dần, thế nhưng, ai sẽ bảo hiểm cho sản phẩm này?

“Loạn” bình cứu hỏa

Theo ghi nhận của ĐTCK, tại địa bàn Hà Nội xuất hiện hàng loạt địa điểm bán bình chữa cháy mini dành cho ô tô với đủ loại thương hiệu, xuất xứ và giá tiền. Từ những địa điểm buôn bán sản phẩm cứu hỏa trên các tuyến đường đến những nơi liên quan đến xe ô tô như gara sửa xe, showroom bán xe…, thậm chí trung tâm đăng kiểm cũng có đầu mối cung hàng.

Theo một nhân viên trung tâm đăng kiểm tại khu vực Long Biên, Hà Nội, bình cứu hỏa có vô vàn chủng loại với xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam cho đến hàng nhập khẩu châu Âu.

Bên cạnh đó, nguồn cung sản phẩm này còn được mở rộng hơn khi có sự tham gia của những đơn vị sẵn sàng tặng bình cứu hỏa cho chủ xe khi mua xe hoặc mua bảo hiểm xe như showroom ô tô hay doanh nghiệp bảo hiểm.

Chẳng hạn, MIC tặng bình cứu hỏa gắn trên xe cho khách hàng mua bảo hiểm vật chất ô tô với mức phí trên 5 triệu đồng hay Bảo hiểm Bảo Việt tặng bình cứu hỏa cho 350 khách hàng đầu tiên tham gia mới/tái tục bảo hiểm  vật chất ô tô, với phí bảo hiểm trên 5 triệu đồng/xe

Trên các trang mạng xã hội, bình cứu hỏa cũng được rao bán rộng rãi, thu hút nhiều khách hàng quan tâm hỏi mua. Các sản phẩm này được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ chỉ vài chục ngàn  lên đến gần 1 triệu đồng. 

Ai sẽ bảo hiểm cho bình cứu hỏa?

Với quy định, “nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận”, nhu cầu về sản phẩm bình cứu hỏa dự kiến sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Nhu cầu đối với sản phẩm là hiện hữu, tuy nhiên việc kiểm soát chất lượng của bình cùng câu hỏi ai sẽ bảo hiểm cho sản phẩm này cũng là điều được nhiều người quan tâm. Hiện tại, Điều 7, Thông tư 57 đã quy định: “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP” và một số qui định khác.

Mặc dù vậy, với tâm lý của đa số khách hàng là mua cho có nhằm tránh bị phạt, không quan tâm nhiều đến chất lượng, nếu không làm tốt khâu quản lý và giám sát thì rất có khả năng sẽ xảy ra những tai nạn đáng tiếc đối với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định bởi cơ quan phòng cháy chữa cháy.

Trên thực tế, năm 2014 đã từng xảy ra trường hợp bình cứu hỏa để trong ô tô bất ngờ nổ tung, de dọa tính mạng người ngồi trong xe, dẫn tới nhiều người ngại sử dụng sản phẩm này. Cho đến nay, vẫn chưa rõ trách nhiệm cuối cùng do cháy nổ bình cứu hỏa được phân định như thế nào.

Với lý do trên, khi bình cháy nổ thuộc diện trang bị bắt buộc và phải được kiểm định bởi cơ quan công an thì nên hướng tới việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm cho sản phẩm này. Bởi đây là sản phẩm mang lại sự an toàn cho chủ xe nhưng lại tiềm ẩn rủi ro trong điều kiện bất lợi (xe để ngoài trời với nhiệt độ cao, di chuyển liên tục…)

“Đã đến lúc phải tính đến chuyện mua bảo hiểm trách nhiệm cho các dòng sản phẩm mang tính bảo vệ cao nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro như bình cứu hỏa, tương tự như như mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm thiết bị, máy móc khác như bếp ga, bình ga, bình lọc nước…”, phụ trách mảng bảo hiểm tài sản một doanh nghiệp bảo nói.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo dautuchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.