Bảo hiểm và bước tiến chính sách

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tái cấu trúc, năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách, chế độ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường này.

Bước tiến lớn về chính sách bảo hiểm trong năm 2015

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng; Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, Bộ ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển sản phẩm mới như bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm hưu trí tự nguyện… Trong đó, Thông tư 130/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 115/2013/TT-BTC hướng dẫn về bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong triển khai sản phẩm này.

Theo đó, phạm vi đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện được mở rộng hơn, tạo điều kiện để sản phẩm này có thể “khai phá” nhiều nhóm khách hàng tiềm năng. Ngoài gỡ khó, gỡ vướng cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, trao quyền tự chủ hơn cho doanh nghiệp bảo hiểm, quy định mới này còn nhằm tương thích với các quy định hiện hành.

Điểm nhấn quan trọng trong chuyển động chính sách bảo hiểm 2016 là việc xây dựng hai nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh bảo hiểm theo nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, tính bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm.

Lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp bảo hiểm qua cầu nối là Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm thông qua việc đề xuất với cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một số quy định bất cập trong các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Chẳng hạn như Cục đã đề xuất bổ sung quy định về tội danh “gian lận bảo hiểm” tại Bộ luật Hình sự (sửa đổi) hay bỏ chương “Hợp đồng bảo hiểm” ra khỏi Bộ luật Dân sự; đề xuất bổ sung phí giám sát bảo hiểm tại Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015…

Ngoài ra, với một hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Luật Kinh doanh bảo hiểm, đã tạo ra môi trường thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển.

… và những kết quả tích cực

Những bước tiến lớn của chính sách bảo hiểm trong năm 2015, tạo thuận lợi để thị trường bảo hiểm phát triển, góp phần tạo đà tăng trưởng khá ấn tượng trong năm qua và các năm kế tiếp. Cụ thể, năm 2015, toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, gần 22%, ước đạt 68.024 tỷ đồng, theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Số liệu ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cũng cho thấy, cả hai mảng nhân thọ và phi nhân thọ đều có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Trong đó, bảo hiểm nhân thọ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với mức tăng 29,5% (ước đạt 36.500 tỷ đồng doanh thu). Còn ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với mức tăng trưởng 14% (ước đạt hơn 31.000 tỷ đồng).

Ngoài chỉ tiêu doanh thu thì một số chỉ tiêu tài chính khác, xét trên phạm vi toàn thị trường, cũng được cải thiện đáng kể. Cụ thể, đến cuối năm 2015, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 201.141 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu toàn thị trường ước đạt 42.388 tỷ đồng. Giá trị chi trả và bồi thường bảo hiểm toàn ngành ước đạt 21.160 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành đạt khoảng 152.543 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tham gia mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam, với tổng khối lượng 6.230 tỷ đồng…

Thực hiện lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, trong năm 2015, đa số doanh nghiệp bảo hiểm đều đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và biên khả năng thanh toán (44/45 doanh nghiệp). Hiện chỉ còn duy nhất 1 doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về vốn chủ sở hữu và biên khả năng thanh toán (VASS).

Trong đó, có 13 doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành tăng vốn điều lệ với tổng số tiền là 2.852 tỷ đồng. Bộ cũng đã yêu cầu 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bổ sung vốn điều lệ; 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có giải pháp nâng cao biên khả năng thanh toán.

Kết quả xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho thấy, có 25 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 và 19 doanh nghiệp thuộc nhóm 2, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp thuộc nhóm 3 (nhóm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán) đó là VASS. Dẫu vậy, với sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, việc tái cấu trúc của công ty này đã đạt được những bước tiến nhất định, vốn điều lệ được tăng lên 300 tỷ đồng theo quy định của pháp luật. Năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm gốc của VASS cũng tăng gần 3 lần so với năm 2014. 

Hướng tới một thị trường minh bạch, bền vững

Để thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng bền vững, minh bạch, bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường và phù hợp với các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, đang tiếp tục rà soát, triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách như chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chính sách bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử…

Đến cuối năm 2015, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 201.141 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu toàn thị trường ước đạt 42.388 tỷ đồng. Giá trị chi trả và bồi thường bảo hiểm toàn ngành ước đạt 21.160 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành đạt khoảng 152.543 tỷ đồng.     

Điểm nhấn quan trọng trong chuyển động chính sách bảo hiểm 2016 là việc xây dựng hai nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh bảo hiểm theo nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, tính bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm. Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành các văn bản này trong quý III/2016.

Ngày 18/12/2015, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã tổ chức họp lấy ý kiến các doanh nghiệp trong ngành về các nội dung chính của dự thảo 2 nghị định này. Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, việc ban hành hai nghị định này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm khai khác tốt tiềm năng của thị trường, hoàn thành tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020.

Cũng theo ông Khánh, về cơ bản, 2 nghị định mới sẽ kế thừa nội dung của 4 nghị định hiện hành (Nghị định 45/2007, Nghị định 46/2007, Nghị định 103/2008, Nghị định 123/2011) và sửa đổi, bổ sung 15 nội dung, gồm: mức giữ lại trong trường hợp tái bảo hiểm; đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm; quy định về người có liên quan; hệ thống công nghệ thông tin, thời hạn chứng chỉ đại lý bảo hiểm; đầu tư; dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm sức khỏe, dự phòng rủi ro thiên tai; doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm; phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm; điều kiện, tiêu chuẩn của các cổ đông xin thành lập công ty cổ phần bảo hiểm; thẩm quyền quản lý Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm; điều kiện đầu tư kinh doanh và các vấn đề khác có liên quan.

Ông Khánh cho biết, năm 2016 là năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm (2016 – 2020). Theo đó, Cục sẽ xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả…

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế, chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các cam kết quốc tế khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định TPP có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ 2016 của Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý bảo hiểm trong năm 2015, đã góp phần quan trọng để thị trường này phát triển ngày càng bền vững.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi bảo hiểm, công tác thanh kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được quy mô của thị trường. Thứ trưởng mong muốn trong năm 2016, Cục cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, tạo điều kiện để thị trường bảo hiểm phát triển tốt hơn.

“Năm 2016, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp bảo hiểm phát triển”, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.