Chiều 25/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về việc tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2018.
Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì xây dựng chính sách bảo hiểm nông nghiệp) đề nghị tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp với cây lúa, vật nuôi (gia súc, gia cầm) từ năm 2016-2018; dừng thực hiện bảo hiểm thủy sản (tôm, cá).
Về địa bàn thực hiện, ngoài 20 tỉnh, thành phố theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang (áp dụng bảo hiểm trong nuôi trâu, bò).
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị được tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc này phải chờ Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT khảo sát, thống nhất phương án bảo hiểm để báo cáo Thủ tướng quyết định.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam kiến nghị cần tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm đối với hoạt động thủy sản vì đây là mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bộ Tài chính cho biết lý do không đưa thủy sản vào diện cần bảo hiểm vì lĩnh vực thủy sản không kiểm soát được rủi ro trong sản xuất và hành vi trục lợi bảo hiểm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói thêm: “Căn cứ tính bảo hiểm của thủy sản là theo chi phí nuôi tôm, cá theo từng thời gian sinh trưởng và quy trình nuôi để bù đắp khi có dịch bệnh. Qua khảo sát, các đầm nuôi tôm, cá không bảo đảm được kỹ thuật, đường nước vào, ra như nhau nên gây ô nhiễm, dịch bệnh. Khá nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng thuốc bảo vệ không đạt tiêu chuẩn. Công ty bảo hiểm không thể xác định được số lượng tôm, cá và quy trình chăm sóc. Người dân cũng không sản xuất theo đúng mùa vụ để bảo đảm sự phát triển của tôm, cá”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết Bộ đã và đang thực hiện Đề án xây dựng hệ thống đường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Bộ đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn với 9 quy trình trong sản xuất lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản để làm tiêu chuẩn cho sản xuất và căn cứ xác định bảo hiểm. Tuy nhiên, ông Nam cho biết “việc kiểm soát các hộ dân có làm theo đúng quy trình không thì không làm được”.
Các bộ, ngành đồng tình việc kéo dài thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ năm 2016 tới 2018 với cây lúa và vật nuôi, đồng thời bổ sung thêm 6 huyện của tỉnh Hà Giang vào chương trình. Đối với thủy sản, các ý kiến đề nghị có thể lựa chọn đối tượng ít bệnh để bảo hiểm như cá tra, tôm thẻ chân trắng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, để xử lý vấn đề gian lận trong nuôi trồng thủy sản nhằm trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý theo quy định mới tại Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính, NN&PTNT lập tổ công tác làm việc với các địa phương, các hộ nông dân nhằm làm rõ khó khăn và nghiên cứu giải pháp để khắc phục hạn chế.
Bộ NN&PTNT phải rà soát lại các quy trình sản xuất nông nghiệp đã ban hành để bảo đảm khả thi trong thực tiễn, tạo căn cứ vững chắc trong xác định nguyên nhân, giá trị thiệt hại để thực hiện bảo hiểm. Từ đó, xác định được hộ dân nào, doanh nghiệp nào có điều kiện tuân thủ quy trình sản xuất này mới được tham gia bảo hiểm và tăng cường khả năng giám sát việc thực hiện quy trình của người dân.
“Tạo điều kiện cho dân tham gia bảo hiểm chứ không bắt buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp dịch vụ này”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, liên quan tới hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp để tránh các nước có thể kiện Việt Nam về việc gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu.
Về thực hiện bảo hiểm với cây lúa, vật nuôi, Phó Thủ tướng đề nghị tùy theo điều kiện, thế mạnh của từng vùng thì có chính sách hỗ trợ, trong đó tính tới việc hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để thúc đẩy người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Sau 3 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (2011-2013), cả nước có 304.000 hộ nông dân tham gia, trong đó có 79% hộ nghèo, 15% hộ cận nghèo và 8,1% là các hộ có mức thu nhập trung bình.
Riêng bảo hiểm thủy sản có 8.208 hộ tham gia, trong đó chủ yếu vẫn là hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, bảo hiểm trong lĩnh vực này chịu khá nhiều rủi ro khi tổng thu phí chỉ có 218 tỉ đồng nhưng các công ty bảo hiểm đã phải chi trả bồi thường tới 675 tỉ đồng.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo saigondautu.com.vn)