Nâng cao kiến thức về chính sách BHXH, BHYT cho hội viên phụ nữ

Vừa qua, tại Khánh Hòa, BHXH Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức lớp tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho 500 cán bộ, hội viên phụ nữ chuyên trách cấp xã, phường. Đây là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.Tại lớp tập huấn, các học viên được trang bị một số nội dung cơ bản của Luật BHXH (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và giới thiệu Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.

Trong chương trình tập huấn, nhiều câu hỏi về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT được các chị em phụ nữ nêu ra như:

– Chị Nguyễn Tràng Thu- Chi hội Trưởng Hội phụ nữ Phường Cam Hiệp, Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa hỏi: khi đi tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH đến các hội viên, nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến chế độ thai sản đối với phụ nữ mang thai hộ sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào?

+ Ông Bùi Đăng An- Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh Khánh Hòa) trả lời: Nếu người mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Ngoài ra, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Bên cạnh đó, khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định là 60 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

Thủ tục để hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khá đơn giản và thuận lợi. Khi khám thai, sẩy thai, thai chết lưu… thì hồ sơ hưởng chỉ cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú; danh sách NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập. Riêng hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, gồm bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ; bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; danh sách NLĐ hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập. Trường hợp con chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con.

– Về chế độ tử tuất đối với thân nhân của NLĐ chết mà trước đó có thời gian đóng BHXH tự nguyện được tính như thế nào? Bà Vũ Thị Bang- Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH Khánh Hòa) trả lời: chế độ tử tuất đối với thân nhân của NLĐ chết mà trước đó có thời gian đóng BHXH tự nguyện theo Điều 71 của Luật BHXH được quy định, thời gian tính hưởng chế độ tử tuất là tổng thời gian đã đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ chết thuộc một trong các trường hợp: NLĐ có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên; NLĐ có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên; NLĐ chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

– Chị Trần Thị Viễn ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) hỏi về thủ tục tham gia BHYT và đăng ký KCB ban đầu: gia đình chị có 5 người đều tham gia BHYT tại huyện Khánh Sơn, nhưng con trai của chị đi lao động tự do tại Tp.Hồ Chí Minh, cháu muốn chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu về bệnh viện đa khoa Phú Nhuận được hay không? Con gái của chị tham gia BHYT tại huyện Nhà Bè (Tp.Hồ Chí Minh) nhưng về nghỉ sinh tại huyện Khánh Sơn có được hưởng chế độ BHYT tại bệnh viện nơi cháu sinh.

+ Bà Vũ Thị Bằng trả lời: Trường hợp con trai của chị Viễn mua thẻ BHYT tại huyện Khánh Sơn nhưng lại đi làm ăn ở Tp.HCM, theo quy định cháu vẫn được đăng ký KCB tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại quận Phú Nhuận, Tp.HCM. Đối với con gái của chị về nghỉ sinh tại huyện Khánh Sơn, khi cháu đi sinh chỉ cần xuất thẻ BHYT cho cơ sở KCB sẽ được hưởng quyền lợi bình thường.

– Chị Đậu Thị Yến ở Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hòa) hỏi: Gia đình tôi có 6 người, trong đó 2 con trai đang học đại học, 2 con gái ở nước ngoài. Vậy 2 vợ chồng tôi có được tham gia BHYT hộ gia đình không? Thủ tục tham gia như thế nào?

+ Ông Bùi Đăng An trả lời: Đối với gia đình chị, 2 người còn lại sẽ được tham gia BHYT theo hộ gia đình, thủ tục tham gia rất đơn giản, chị ra đại lý bán thẻ BHYT gần nhất và kê khai danh sách đăng ký tham gia BHYT theo mẫu D01-HGD, chỉ cần đại diện hộ gia đình (không nhất thiết là chủ hộ). Người kê khai phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai đó, nếu kê khai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh (nếu có phát sinh). Đối với các trường hợp đang tham gia BHYT, khi kê khai danh sách đăng ký tham gia (mẫu D01-HGĐ), tại  cột (số 5) chỉ cần ghi có thẻ thuộc đối tượng nào. “Nếu có thẻ BHYT theo diện hưu trí, học sinh – sinh viên , NLĐ đang làm việc,  thì tại cột (số 5) ghi  “hưu trí”, “học sinh sinh viên”, “đang làm việc”. Chị đóng tiền mua thẻ cho đại lý và hẹn ngày lấy thẻ”, ông An giải thích./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.