Sự thống nhất cao hơn nữa về khung pháp lý tại các quốc gia ASEAN là cơ sở quan trọng nhằm thúc đẩy tự do hóa ngành bảo hiểm trong khu vực. Đây là nội dung chính bài phát biểu của ông Aun Porn Moniroth, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia, tại buổi khai mạc kỳ họp các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) lần thứ 18 và phiên họp thứ 41 Hội đồng bảo hiểm châu Á (AIC) tổ chức tại Phnompenh, Campuchia, hồi tuần trước.
Ông Moniroth nói: “Sự khác biệt về quy định pháp luật làm tăng chi phí các dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới, đồng thời chi phí phải bỏ ra để tuân thủ các quy định khác nhau cũng sẽ tăng lên… từ đó làm cản trở khả năng hội nhập thị trường bảo hiểm nội khối ASEAN. AIRM là cơ chế phối hợp hiệu quả nhằm đem lại sự thống nhất và rõ ràng giữa khung pháp lý các nước trong khối”.
Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực cơ quan quản lý bảo hiểm thông qua hoạt động tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia ASEAN.
Trong quá trình hướng tới tự do hóa, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm rất cần có sự tư vấn sát sao nhằm giúp cho việc hội nhập kinh tế hiệu quả và thực tế đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Trong quá trình đàm phán hướng tới tự do hóa, cần tư vấn cho khối tư nhân đồng thời lắng nghe tiếng nói của họ để từ đó thúc đẩy sự vận hành của khu vực thị trường tự do và giảm thiểu tác động lên các thành viên khác trong thị trường”, ông nói.
Ông Moniroth nhấn mạnh, cam kết hội nhập với thị trường dịch vụ tài chính trong khu vực được coi là chất xúc tác thúc đẩy hội nhập kinh tế các quốc gia ASEAN, tạo điều kiện khơi thông thương mại và đầu tư.
Theo ông, ngành bảo hiểm ASEAN đang có “triển vọng tăng trưởng lớn” do tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm thấp và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực đang tăng lên.
“Sự tự do hóa dịch vụ bảo hiểm đem lại nhiều lợi ích lớn cho khu vực. Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có lợi từ hiệu quả kinh tế do quy mô và từ việc mở rộng phạm vi hoạt động đầu tư, trong khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn và được hưởng lợi do thị trường cạnh tranh cao”.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo hiểm ASEAN (AIC) được tiến hành mỗi năm một lần cùng với kỳ họp các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM), tập trung vào việc xây dựng năng lực bảo hiểm tại thị trường các nước trong khối – được coi là nhân tố quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế. Một số nội dung thảo luận chính của AIC tại kỳ họp này bao gồm phát triển nguồn lực actuary, xây dựng lực lượng lãnh đạo bảo hiểm kế cận, đào tạo và nghiên cứu về bảo hiểm và hợp tác trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo webbaohiem.net)