Với mục tiêu khắc phục các hạn chế trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành, Luật BHXH (sửa đổi) đã đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng BHXH của người dân.Tuy nhiên, những điểm mới này cũng đòi hỏi cơ quan thực hiện chính sách phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa bộ luật này vào cuộc sống…
Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được, Luật BHXH (sửa đổi) có rất nhiều điểm ưu việt, quyền lợi của NLĐ được đảm bảo công bằng và tốt hơn. Cụ thể, luật bổ sung NLĐ được quyền hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau trong trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày; được bảo lưu thời gian đóng BHXH, người bị tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân NLĐ được chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động và được quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa trong trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH.
Luật BHXH (sửa đổi) đã đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng BHXH của người dân
Đáng chú ý, Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã tính đến quan hệ đóng – hưởng để cải thiện một bước tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất. Việc sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo hướng: Tăng dần mỗi năm từ tháng 1/2016 đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên (hiện nay là 50 và 45); đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi… đã tạo được công bằng giữa trách nhiệm đóng và quyền lợi thụ hưởng. Ngoài ra, việc tăng tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đã phần nào hạn chế được tình trạng nghỉ hưu trước tuổi, đảm bảo an sinh tuổi già cho NLĐ.
Mặt khác, Luật BHXH (sửa đổi) còn hoàn thiện nhiều chính sách có lợi cho NLĐ, nhất là việc tăng trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất… cụ thể, trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (thay cho mức hiện nay là 26 ngày). Với NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, còn tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày từ 25% lên 30% mức lương cơ sở.
Sớm đưa luật vào cuộc sống
Đề cập các giải pháp ngành BHXH cần thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa Luật BHXH (sửa đổi) đi vào cuộc sống, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho rằng, mục tiêu đặt ra cho cơ quan thực hiện chính sách là tăng nhanh diện bao phủ BHXH và quản lý chặt chẽ người tham gia, giải quyết và chi trả kịp thời đầy đủ các chế độ cho NLĐ, đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong triển khai thi hành luật. Nhiều giải pháp sẽ cần thực hiện đồng bộ.
Trước hết, BHXH Việt Nam cần chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản; tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật và các quy định về hồ sơ, quy trình nghiệp vụ của Ngành phục vụ cho việc thực hiện Luật. Hoạt động tuyên truyền Luật BHXH (sửa đổi) cũng cần được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng hơn, phù hợp với tính đặc thù về dân trí, dân tộc, tôn giáo và các yếu tố vùng miền của các nhóm dân cư. Chú trọng công tác tuyên truyền miệng và vai trò ảnh hưởng của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, đồng thời thực hiện tuyên truyền thường xuyên chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đối với việc phát triển đối tượng, ông Nguyễn Đình Khương cho biết, ngành BHXH xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và lâu dài. Vì thế, ngay trong kế hoạch của ngành, chỉ tiêu thu phải được gắn với chỉ tiêu phát triển đối tượng. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các cấp chủ động xây dựng chương trình, quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để nắm bắt thông tin về số đơn vị đang hoạt động, đơn vị giải thể, phá sản, số lao động cũng như biến động về lao động trên địa bàn để đôn đốc, vận động tham gia BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến BHXH từng cấp, từng cá nhân chuyên quản. Đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ liên ngành và tăng cường công tác khởi kiện đối với các đơn vị chây ì không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH.
Cùng với đó, việc thực hiện cải cách TTHC cũng được cơ quan BHXH đẩy mạnh. Thực tế, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát và đơn giản hóa từ 115 TTHC xuống còn 33 TTHC. Theo đó, một số thành phần hồ sơ và chỉ tiêu trong các biểu mẫu đã được loại bỏ; doanh nghiệp hoặc cá nhân thay vì phải nộp bản sao chứng thực của một số loại giấy tờ có thể nộp bản chụp (không phải chứng thực) kèm theo bản chính để cơ quan BHXH đối chiếu và trả lại bản chính. Cách thức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết các thủ tục được thay đổi cơ bản theo hướng, cơ quan BHXH trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại đơn vị hoặc thông qua dịch vụ bưu điện. Qua đó, đã rút ngắn được một bước thời gian, chi phí cho các đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH.
Với những biện pháp đồng bộ nêu trên, hy vọng rằng, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)