Ngày 23-11, lý giải về việc Bộ Y tế tạm hoãn việc tăng giá viện phí, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, theo kế hoạch ban đầu được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất, việc điều chỉnh giá của hơn 1.800 dịch vụ y tế được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán được thực hiện vào ngày 15-11, nhưng Bộ Y tế đã thống nhất với các cơ quan chức năng lùi lại thời điểm tăng viện phí vào thời điểm thích hợp của năm 2016.
Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, việc lùi thời điểm tăng giá các dịch vụ y tế là để Bộ Y tế có thời gian tập huấn cho các cơ sở y tế về chính sách viện phí mới, đồng thời tuyên truyền cho người dân tham gia BHYT nhiều hơn nữa trước khi giá viện phí được áp dụng đồng loạt đối với tất cả các đối tượng. Bởi lẽ hiện nay vẫn còn trên 10 tỉnh thành có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt dưới mức 60% dân số. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá viện phí được thực hiện gồm 2 lộ trình. Cụ thể giai đoạn 1 mức giá viện phí gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và điều chỉnh giá lần này chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT (đối tượng chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được áp giá cũ). Còn giai đoạn 2 sau đó, giá viện phí mới sẽ gồm cả tiền lương và sẽ được tính chung cho mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh.
“Ở giai đoạn 2 khi giá viện phí được tính bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế và sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc cho mọi đối tượng, lúc này, những người không có thẻ BHYT sẽ là những đối tượng bị tác động lớn nhất do chi phí y tế tăng cao…” – ông Liên nêu rõ.
Theo Bộ Y tế, thực hiện lộ trình tăng viện phí trong năm 2016, giá viện phí sẽ tăng thêm từ 2 – 4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp, cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế. Việc điều chỉnh viện phí sẽ có tác động mạnh mẽ tới khoảng 27% dân số đang không có thẻ BHYT, tương đương với khoảng 24 triệu người phải chịu gánh nặng rất lớn khi đi khám chữa bệnh vì họ sẽ phải chi trả thêm rất nhiều tiền cho chí phí khám chữa bệnh và thuốc men tăng cao. “Điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này, khi tính tiền phụ cấp, lương vào giá dịch vụ y tế thì cán bộ y tế và các bệnh viện phải thay đổi cơ bản nhận thức, khi cơ quan BHXH và người dân trả tiền lương cho mình thì bắt buộc phải làm tốt mới có bệnh nhân, có nguồn trả lương và bệnh viện mới tồn tại được” – ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo báo SGGP)