Giai đoạn 2016-2017, các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất thế giới với tỷ lệ 12% trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ và 13% trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Đây là nội dung chính trong bản báo cáo “Nhìn lại ngành bảo hiểm toàn cầu năm 2015 và triển vọng các năm 2016/2017” do Swiss Re mới phát hành tuần trước.
Bảo hiểm phi nhân thọ
Báo cáo cho biết, các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ đóng vai trò đầu tàu, giúp thị trường bảo hiểm phi nhân thọ mới nổi toàn cầu đạt tỷ lệ tăng trưởng tương ứng 7,9% và 8,7% trong các năm 2016 và 2017 sau khi đạt mức tăng 5,6% năm 2015.
Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Nam Á sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đồng thời áp lực cạnh tranh tiếp tục gia tăng tại Trung Quốc và Malaysia do chủ trương cắt giảm thuế quan ở những nước này.
Theo Swiss Re, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ tích cực hơn và nhu cầu bảo hiểm phi nhân thọ gia tăng trong các năm 2016-2017. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng tại các nước phát triển sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế chỉ cải thiện ở tốc độ trung bình. Tăng trưởng phí bảo hiểm toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3,0% năm 2016 và 3,2% năm 2017 so với mức 2,5% năm nay.
Bảo hiểm nhân thọ
Ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ phải đối mặt với rủi ro sụt giá do triển vọng tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức trung bình, tình trạng lãi suất thấp tiếp tục duy trì, biến động trên thị trường tài chính và những thay đổi về môi trường pháp lý. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu dự kiến vẫn tăng 4,0% năm 2016 và 4,2% năm 2017. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng tại thị trường các nước phát triển lần lượt là 2,4% và 2,6%. Đối với các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng trong cả hai năm dự kiến là 10,7% do tăng trưởng kinh tế mạnh, gia tăng dân số, đô thị hóa và sự tăng lên của tầng lớp trung lưu. Một lần nữa, các quốc gia mới nổi châu Á lại được kỳ vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với tỷ lệ khoảng 13%.
Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe tại các thị trường mới nổi nhờ vào những đóng góp đáng kể của Trung Quốc với việc chính phủ nước này ban hành nhiều chính sách vĩ mô thuận lợi cho ngành bảo hiểm, hóa giải được tác động bất lợi từ đà tăng trưởng chậm của GDP và thu nhập. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm lên 5% vào năm 2020 từ mức khoảng 3% năm 2014. Tại các quốc gia mới nổi khác ở châu Á, những khó khăn của nền kinh tế sẽ giới hạn tốc độ tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, tuy nhiên vẫn ở mức cao.
Làn sóng doanh nghiệp bảo hiểm từ các nước phát triển mở rộng phạm vi hoạt động tại các thị trường mới nổi sẽ vẫn tiếp diễn song với tốc độ chậm hơn trước. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp bảo hiểm từ các thị trường mới nổi, nhất là châu Á, sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện của mình tại các nước phát triển nhằm đầu tư vốn, tiếp thu các bí quyết công nghệ và đa dạng hóa kinh doanh theo khu vực địa lý.
Những năm vừa qua, ngành BHNT đã có những bước tiến nhất định trong việc sử dụng các mô hình kinh doanh hướng tới khách hàng và gắn với công nghệ. Trong tương lai, công nghệ số và dữ liệu lớn (Big data) là những nhân tố có nhiều tiềm năng trong việc chuyển đổi cách thức doanh nghiệp BHNT định phí, phân phối sản phẩm và tương tác với khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cần phải bổ sung đủ nguồn lực và cần áp dụng các mô hình kinh doanh khai thác được cơ hội do công nghệ số và dữ liệu lớn đem lại.
Bản báo cáo nhận định, những doanh nghiệp BHNT đang chịu sức ép cạnh tranh sẽ phải tìm kiếm hướng đi nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình, thông qua việc tối hưu hóa tài sản và công nợ, tái bảo hiểm, hiện thực hóa các khoản lợi nhuận trong tương lai, hoặc thậm chí thoái vốn tại một số lĩnh vực kinh doanh hiện hữu. Tùy thuộc vào tình trạng lãi suất thấp tiếp tục kéo dài bao lâu, các doanh nghiệp BHNT nhỏ sẽ buộc phải chấm dứt việc bán sản phẩm mới hoặc sáp nhập với các đối thủ cạnh tranh lớn hơn.
Bên cạnh đó, sẽ có sự thay đổi khung pháp lý tại nhiều thị trường nhằm khuyến khích tối ưu hóa nguồn vốn và tái cấu trúc hoạt động nhằm đạt được quy mô kinh doanh và nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí. Kết quả là trong tương lai sẽ có nhiều giao dịch thâu tóm, sáp nhập cũng như thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo webbaohiem)