Trên thực tế, bảo hiểm trách nhiệm của người thuê tàu thường ít được thị trường và các nhà bảo hiểm đề cập đến. Khi tìm hiểu quy tắc bảo hiểm cho loại hình này của các hội tương hỗ cũng như các hội thu theo hình thức phí cố định, người đọc thấy nội dung và phạm vi bảo hiểm khá giống nhau, rất khó có thể phân biệt được các trách nhiệm pháp lý liên quan đến các rủi ro như ô nhiễm, thiếu hụt hàng hóa, thương tật của bên thứ ba của thuyền viên vv… khi nào thuộc về chủ tàu, khi nào thuộc về người thuê tàu?
WBH xin giới thiệu bài viết dưới đây của Kỹ sư hàng hải Nguyễn Duy Luyến (QBE Việt Nam) với mong muốn giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn về vấn đề nói trên, đồng thời giúp cho chủ tàu cũng như bên thuê tàu khi đàm phán hợp đồng có thể đưa vào các điều khoản có lợi nhất cho mình và lựa chọn được loại hình bảo hiểm trách nhiệm phù hợp.
PHẦN 1: KHÁI QUÁT VỀ CÁC HÌNH THỨC THUÊ TÀU VÀ BẢO HIỂM ĐỐI VỚI NGƯỜI THUÊ TÀU
CÁC HÌNH THỨC THUÊ TÀU
Thuê tàu trần
Hợp đồng thuê tàu trần là hợp đồng thuê tàu, theo đó chủ tàu cung cấp cho người thuê tàu một tàu cụ thể không bao gồm thuyền bộ. Về điều kiện rủi ro và trách nhiệm, bên thuê tàu thế vào chỗ của chủ tàu chịu trách nhiệm cho việc duy trì thuyền bộ và hoạt động của con tàu. Thuê tàu trần cần có bảo vệ bằng bảo hiểm thông qua bảo hiểm P&I, thân tàu và máy móc thiết bị (H&M) và các bảo hiểm bổ sung giống như của chủ tàu.
Thuê tàu định hạn
Hợp đồng thuê tàu định hạn là hợp đồng thuê tàu, theo đó chủ tàu cung cấp một tàu cụ thể cùng với thuyền bộ cho người thuê tàu. Người thuê không chịu trách nhiệm đảm đương cho việc bảo trì, sửa chữa, nhân lực và hành hải con tàu, người thuê định hạn cũng phải gánh chịu nhiều rủi ro và trách nhiệm đối với hoạt động thương mại của tàu. Bên thuê cũng phải đưa ra một số quyết định quan trọng về kinh doanh tàu và do đó phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề như khi nào, ở đâu, như thế nào và hàng hóa gì được xếp, chuyên chở và dỡ khỏi tàu. Kết quả là, họ phải nhận vào mình một loạt đáng kể các trách nhiệm đối với chấn thương, tử vong hoặc thiệt hại cho tài sản phát sinh từ các quyết định đó. Người thuê định hạn cũng đặt tài sản của mình như nhiên liệu, container và các thiết bị khác của mình ở trên tàu, và trong quá trình thuê như vậy sẽ đặt người thuê tàu vào tình thế phải chịu các hiểm họa hàng hải.
Thuê tàu chuyến, thuê lưu khoang hoặc thuê ô tàu
Người thuê ít phải gánh chịu rủi ro hơn so với thuê định hạn vì các quyết định như khi nào, ở đâu và hàng hóa được xếp thế nào thường được chia sẻ trách nhiệm với chủ tàu. Nhưng người thuê chuyến đi, lưu khoang hay thuê ô thường chịu trách nhiệm cho tất cả hoặc một phần của tải và hoạt động xếp dỡ hàng đối với các rủi ro liên quan tới ẩn tỳ và tình trạng của hàng hóa.
RỦI RO VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI THUÊ TÀU
Theo hợp đồng
Rủi ro chủ yếu của người thuê phát sinh theo hợp đồng thuê tàu, theo vận đơn của người thuê định hạn, theo giấy lưu khoang và hợp đồng bốc xếp. Tất cả các hợp đồng này sẽ đặt người thuê tàu vào tình thế phải chịu trách nhiệm đối với tổn thất, thiệt hại đối với tài sản tài sản (như hàng hóa hoặc tàu) và/hoặc thương tật cá nhân (như đối với công nhân bốc xếp hoặc thuyền viên).
Sai lầm cá nhân có thể phải bồi thường hoặc sai lầm dân sự
Thường là trách nhiệm đối với tử vong hoặc thương tật cá nhân đối với bên thứ ba như thuyền viên hoặc công nhân bốc xếp gây ra bởi sơ suất của người thuê hoặc nhân viên của họ.
Trách nhiệm pháp lý theo luật định
Thường là tiền phạt, phạt của hải quan, lỗi trong việc cung cấp các hệ thống làm việc an toàn và ô nhiễm dầu (đặc biệt là ở Mỹ).
“NGƯỜI CHUYÊN CHỞ”
Theo quy định của Quy tắc Hague 1924, Visby 1968 và luật của các quốc gia như Mỹ, Singapore, thì thời hạn trách nhiệm của người chuyên chở đối với hàng hóa được tính kể từ khi hàng hóa được xếp lên tàu ở cảng đi cho tới khi hàng hóa được dỡ khỏi tàu ở cảng đến.
Theo Điều 75, Bộ luật Hàng hải Việt Nam: “Người vận chuyển chịu trách nhiệm về việc bốc hàng, dỡ hàng cẩn thận và thích hợp, chăm sóc chu đáo hàng hóa trong quá trình vận chuyển”, hoặc phần 192 (Sec.192), Harter Act 1893 (Luật Hàng hải của Mỹ) nêu: “Nếu chủ tàu vận chuyển hàng hóa hay tài sản ra vào nước Mỹ đã cần mẫn hợp lý làm cho tàu đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, trang thiết bị, vật phẩm dự trữ đầy đủ thì tàu, chủ tàu, đại lý hoặc người thuê sẽ không phải chịu trách nhiệm về mất mát hoặc thiệt hại đối với hàng hóa do lỗi hay sơ suất trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu…”
Liên quan tới trách nhiệm pháp lý cho việc tổn thất hoặc hư hỏng hàng hóa, người thuê có thể, tùy thuộc vào các điều khoản hợp đồng và luật áp dụng, được coi là “người vận chuyển” hợp pháp của hàng hóa. Trong những trường hợp như vậy, người thuê tàu trong chặng đầu tiên có thể chịu trách nhiệm cho những rủi ro và trách nhiệm pháp lý cho việc tổn thất, hư hỏng hàng hóa, mặc dù họ có thể có quyền truy đòi đối với chủ tàu hoặc các bên thứ ba khác. Tuy nhiên, việc thu đòi đầy đủ liên quan tới những quyền truy đòi này có thể không được đảm bảo.
Tại nhiều quốc gia, thuật ngữ “đồng nhất của các điều khoản vận chuyển” trong vận đơn (nhằm đánh đồng chủ tàu là người vận chuyển) không có hiệu lực và người thuê có thể phải chịu trách nhiệm.
NGƯỜI THUÊ TÀU ĐƯỢC GHI THEO ĐƠN BẢO HIỂM CỦA CHỦ TÀU
Trong một số trường hợp, người thuê tàu có thể được bảo vệ trước các rủi ro và trách nhiệm pháp lý thông qua việc thỏa thuận với chủ tàu về các điều khoản để được hưởng những quyền lợi bảo hiểm riêng của chủ tàu. Tuy nhiên, những điều khoản như vậy sẽ không có hiệu lực áp dụng trong hợp đồng thuê định hạn do không có ràng buộc giữa người thuê và công ty bảo hiểm của chủ tàu, nhà bảo hiểm không phải là bên có liên quan trong hợp đồng thuê tàu. Hơn nữa, ngay cả khi người thuê tàu có tên trong đơn P&I của chủ tàu, họ cũng chỉ được bảo hiểm nếu những trách nhiệm phát sinh thuộc về chủ tàu mà không được bảo hiểm cho trách nhiệm riêng của mình. Do đó, muốn được bảo vệ tốt hơn, người thuê tàu cần mua bảo hiểm cho riêng mình.
Thêm vào đó, không hội P&I quốc tế nào đồng ý đưa tên của người thuê tàu là bên thứ ba vào đơn P&I của chủ tàu. Ngoại lệ duy nhất là khi bên thuê tàu trần được định danh hoặc nêu định danh người thuê chỉ cho điều khoản bảo hiểm “Bị kiện gián tiếp” (xem trong Hợp đồng thuê tàu mẫu Supplytime 89 và 2005). Tuy nhiên, trong những tình huống này, ít nhất người thuê tàu cần có bản sao của đơn bảo hiểm hiện tại để đảm bảo sẽ được ghi tên theo đơn P&I của chủ tàu.
Đối với bảo hiểm thân tàu và máy móc, bên thuê tàu dài hạn có thể sẽ được ghi tên và bãi miễn theo đơn thân tàu máy của chủ tàu. Điều này thường xảy ra trong trường hợp tàu có giá trị cao, như tàu chở khí hóa lỏng (LNG), và thời hạn của hợp đồng thuê định hạn đặc biệt dài – chẳng hạn 15 hay 20 năm.
NGƯỜI THUÊ TÀU ĐƯỢC GHI THEO ĐƠN BẢO HIỂM HÀNG HÓA
Trong trường hợp đặc biệt, người thuê tàu đồng thời là chủ sở hữu hàng hóa chuyên chở trên tàu: để tiết kiệm chi phí bảo hiểm, người thuê tàu có thể thu xếp với hãng bảo hiểm hàng hóa của mình để được ghi tên và được bãi miễn truy đòi trách nhiệm từ người vận chuyển theo điều kiện bảo hiểm hàng hóa “mọi rủi ro” với tư cách là người thuê tàu (đồng thời là chủ hàng).
Điều này sẽ cho phép người thuê tàu loại trừ trách nhiệm rủi ro hàng hóa theo bảo hiểm trách nhiệm P&I của người thuê tàu.
Bảo Hiểm Bảo Việt