Chỉ sau hơn bốn tháng đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch điện tử của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thu hút hơn 82 nghìn đơn vị sử dụng lao động đăng ký tham gia, trong đó có tuần đạt mức tăng trưởng cao nhất với hơn 7.500 doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Điều đó, cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành BHXH trong đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai giao dịch điện tử theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Giao dịch rút xuống 45 giờ
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 giảm thời gian thực hiện các giao dịch của doanh nghiệp với cơ quan BHXH xuống còn 49,5 giờ/năm, thời gian qua BHXH Việt Nam đã chủ động thực hiện giải pháp toàn diện, đồng bộ quyết tâm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Vì vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành tiếp tục được triển khai quyết liệt, có hiệu quả, theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, BHXH Việt Nam giảm được 100 giờ, từ 335 giờ xuống còn 235 giờ. Năm 2015, dự kiến sẽ giảm 154 giờ, từ 235 giờ xuống còn 81 giờ. Do một số quy trình trong Quyết định số 959/QĐ-BHXH phải chờ Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành mới được thực hiện nên kết quả giảm giờ sẽ được thể hiện sau ngày 1-1-2016.
Đánh giá về lộ trình thực hiện chỉ tiêu giảm giờ của BHXH Việt Nam, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết: Bằng việc nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC để cắt giảm thời gian, chi phí. Dự kiến sau khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2016 và các quy định về giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, quản lý sổ BHXH được thực hiện, dự kiến giảm thêm 36 giờ, từ 81 giờ xuống còn 45 giờ. BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, giảm được 290 giờ, từ 335 giờ/năm xuống 45 giờ/năm vào năm 2016.
Đối với cá nhân, Quyết định số 919/QĐ-BHXH bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ, qua đó cắt giảm được thời gian, chi phí của cá nhân khi thực hiện TTHC về BHXH, BHYT, như: Với việc bãi bỏ thủ tục xác nhận chữ ký sáu tháng một lần của người hưởng chế độ BHXH hằng tháng qua tài khoản ATM, sẽ có khoảng 200 nghìn người hưởng chế độ không phải đi xác nhận chữ ký; với việc bỏ mẫu đơn đề nghị, thanh toán chi phí KCB trực tiếp sẽ có khoảng 500 nghìn người hưởng BHYT không phải khai đơn… qua đó tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho cá nhân và xã hội.
Đẩy mạnh giao dịch điện tử
Với vị trí và vai trò của một ngành có giao tiếp với nhiều đơn vị sử dụng lao động và người dân, BHXH Việt Nam xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhất là giao dịch điện tử (GDĐT) là phương thức tối ưu để giảm số lần và số giờ thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Để triển khai hệ thống GDĐT theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về GDĐT trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chuẩn bị các điều kiện nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm; hướng dẫn cài đặt, tập huấn cho các đơn vị sử dụng lao động, bảo đảm sẵn sàng triển khai GDĐT theo yêu cầu của Thủ tướng.
Từ tháng 5-2015, hệ thống GDĐT của BHXH Việt Nam chính thức hoạt động trên toàn quốc. Chỉ sau hơn bốn tháng, tại 63 tỉnh, thành phố, hệ thống GDĐT đã thu hút hơn 82 nghìn đơn vị sử dụng lao động đăng ký tham gia. Đến nay, một số BHXH tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử hơn 90% như: Trà Vinh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên, Quảng Bình, Điện Biên… Mục tiêu, đến cuối năm 2015, BHXH tỉnh, thành phố phải đạt tối thiểu 90% đơn vị giao dịch điện tử về BHXH; đối với hồ sơ, kết quả không thể qua GDĐT sẽ giao dịch qua dịch vụ bưu chính…
Để đạt các chỉ tiêu kế hoạch được giao, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Khương cho biết: Ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC, hoàn thành việc công bố các TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện cắt giảm TTHC và bãi bỏ thành phần hồ sơ liên quan tại các địa phương.
Đồng thời, ngành cũng tập trung hoàn thành việc xây dựng hệ thống giao dịch BHXH điện tử mới; phối hợp Bộ Y tế triển khai đúng tiến độ dự án thực hiện tin học hóa trong trong khám chữa bệnh BHYT; phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ I-VAN (dịch vụ giá trị gia tăng về GDĐT trong lĩnh vực BHXH) tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp sử dụng phần mềm hỗ trợ kê khai mới và thí điểm kê khai, tiếp nhận, giải quyết thủ tục BHXH trên hệ thống mới…
* Năm 2015 được xác định là năm trọng tâm cải cách TTHC của ngành, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ rà soát hoạt động chuyên nghiệp để rà soát tổng thể 115 TTHC. Kết quả: Về TTHC đã giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục; về số lượng hồ sơ: giảm 56%; về chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu: giảm 82%; về quy trình, thao tác thực hiện: giảm 78%.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, ước tính đến hết tháng 11-2015 cả nước có 12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 10,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 0,23 triệu người tham gia BHXH tự nguyện và 67,3 triệu người tham gia BHYT. Số thu BHXH, BHYT đến hết tháng 11-2015 ước thực hiện 187,6 nghìn tỷ đồng, đạt 92,1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…
Bảo hiểm Bảo Việt (theo nhandan.org.vn)