Mở rộng quyền lợi của người khuyết tật trong điều trị phục hồi chức năng

Chiều ngày 18/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo góp ý kiến Dự thảo Thông tư quy định danh mục kỹ thuật, vật tư y tế phục hồi chức năng và việc chi trả phục hồi chức năng được quỹ BHYT thanh toán.

Hoi thao 201115.jpg

Theo Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB), ngày 14/08/2009, Bộ Y tế ký Thông tư số 11/2009/TT-BYT ban hành Danh mục dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng và số ngày bình quân một đợt điều trị của một số bệnh, nhóm bệnh được Quỹ BHYT thanh toán. Thông tư này ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh và phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh, và phục hồi chức năng trên toàn quốc.

​Tuy nhiên, Thông tư 11/2009/TT-BYT ban hành đã được trên 6 năm đã bộc lộ những bất cập. Thông tư 11 chỉ quy định 33 Danh mục dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng và số ngày bình quân một đợt điều trị của 04 bệnh, nhóm bệnh được quỹ BHYT thanh toán. Trong khi chuyên ngành phục hồi chức năng đến nay đã phát triển thêm được nhiều kỹ thuật mới; Ngày 11/12/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó đã phê duyệt 156 kỹ thuật phục hồi chức năng; ngày 26/12/2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 50/2014/TT-BYT quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật, trong đó đã phê duyệt bổ sung trên 80 kỹ thuật về phục hồi chức năng và đã nâng tổng số các kỹ thuật phục hồi chức năng được Bộ Y tế phê duyệt để áp dụng triển khai trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng lên trên 248 danh mục kỹ thuật.

Trước tốc độ phát triển của chuyên ngành phục hồi chức năng và nhu cầu của người bệnh, Thông tư đã không còn phù hợp, gây khó khăn cho cả cán bộ y tế lẫn người bệnh khi sử dụng thẻ BHYT.

Theo đó, dự thảo Thông tư sẽ tăng thêm 25 kỹ thuật phục hồi chức năng nữa so với Thông tư 11 để đảm bảo quyền và lợi ích của người khuyết tật, bảo vệ quyền con người trong chăm sóc sức khỏe. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Thông tư này mang lại nhiều quyền lợi cho người bệnh, tuy nhiên, danh mục dụng cụ chỉnh hình và vật tư y tế cần đầy đủ, như có thêm xe lăn, tay giả chân giả; đệm chống loét các loại., thêm nẹp bụng các loại, khung đai nẹp các loại vv… cho người bệnh để được BHYT thanh toán.

Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Với dự thảo Thông tư này, những bất cập của Thông tư 11 đã được hủy bỏ, như qui định về nhóm bệnh được PHCN và ngày điều trị bình quân. Tuy nhiên, vấn đề hiện chưa có lời giải là vật tư y tế tái sử dụng. Quan điểm của BHXH Việt Nam là BHYT phục vụ trước hết cho việc điều trị và Thông tư cần đề cập rõ về xe lăn, dây đeo, dụng cụ tập đi là phát luôn cho người bệnh hay không, loại xe lăn nào, cấp xe lăn một lần hay mấy năm một lần.  Ông Phạm Lương Sơn cũng đề cập đến cần phải có cơ chế và điều kiện thanh toán cho BHYT và mong muốn Bộ Y tế ban hành Thông tư trong năm 2015, để có thể thực hiện trong quý I/2016.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển của cộng đồng, hiện cả nước có 6,1 triệu người khuyết tật, trong đó gần 30% là khuyết tật vận động, số người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên chiếm 7,8% dân số. Những điểm mới của Dự thảo thông tư sẽ góp phần giúp người khuyết tật có thêm cơ hội phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.

Dự thảo Thông tư này đã được đăng trên trang Web của Bộ Y tế để lấy ý kiến góp ý của các đọc giả theo quy định./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.