Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho lao động di cư. Ảnh: Nhật Nam |
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động-Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trong số lao động di cư, tỷ lệ nữ chiếm khá cao và ngày càng có xu hướng tăng lên, độ tuổi ngày càng trẻ, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp, thu nhập thấp và không ổn định. Đa số làm công việc đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, BHXH tự nguyện…
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và Phát triển cũng chỉ ra rằng, lao động di cư phi chính thức là đối tượng thuộc nhóm yếu thế. TS Lê Thị Hoài Thu, Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và Phát triển cho rằng, lao động di cư khó tiếp cận các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách, pháp luật về an sinh xã hội nói riêng. Nhóm đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn khi sống tại các thành phố lớn có mức phí sinh hoạt cao, chịu thành kiến. Lao động di cư chưa được đưa vào phạm vi quản lý, vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Phần lớn lao động di cư phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động nên không được tiếp cận BHXH, BHYT, chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện (chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất). Trong khi đó, các chế độ thiết thân khác như trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất cần thiết trong điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, mức độ gặp rủi ro trong công việc cao, lao động di cư lại không được hưởng…
Không những thế, sau 6 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, chỉ có hơn 190.000 lao động khu vực phi chính thức tham gia (trong tổng số 14 triệu lao động khu vực phi chính thức, chiếm 0,5%). Trong số đó, hơn 70% là những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nay tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần không nhỏ do thu nhập thấp, công việc thiếu ổn định; mức đóng BHXH tự nguyện còn cao với thời gian kéo dài; chế độ thụ hưởng lại không công bằng so với BHXH bắt buộc.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Tham gia BHXH, BHYT là điều kiện bảo đảm an sinh cho lao động di cư. Để hỗ trợ lao động di cư, trước mắt cần mở rộng chế độ trong chính sách BHXH tự nguyện như chính sách BHXH bắt buộc; tạo điều kiện cho lao động di cư có thể tham gia đóng và hưởng quyền lợi giống như BHXH bắt buộc (về trợ cấp thai sản, ốm đau, tai nạn lao động). Trong đó, cần bổ sung ngay chế độ trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện nhằm hỗ trợ lao động nữ di cư. Các quy trình, thủ tục tham gia BHYT cần được cải cách, đơn giản hóa giúp lao động di cư dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, cần tăng chi trả khi khám vượt tuyến và ngoại trú cho lao động di cư; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục khám chữa bệnh cho phù hợp với đặc thù lao động…
Quan trọng hơn, chính quyền nơi lao động di cư cư trú cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn các thông tin về chính sách an sinh xã hội, BHYT, BHXH tự nguyện cũng như các quy định pháp luật liên quan đến các điều kiện về cư trú với lao động di cư. Lao động di cư là nguồn lực lớn và ngày càng phát triển. Đây là nguồn phát triển đoàn viên, hội viên đông đảo của các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, công đoàn…
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo hanoimoi.com.vn)