Bảo hiểm hưu trí bổ sung có khả thi?

Một nội dung được lần đầu tiên được đưa vào Dự thảo Luật BHXH đó là khái niệm “bảo hiểm hưu trí bổ sung”. Theo Bộ LĐTB&XH, đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì?

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo, bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chương trình BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Với chính sách hưu trí bổ sung, Nhà nước định ra cơ chế cho phép DN tự nguyện đóng góp thêm (ngoài phần bảo hiểm xã hội bắt buộc) cho người lao động nhằm đảm bảo cho họ khi hết tuổi lao động có một khoản thu nhập bổ sung (ngoài lương hưu do cơ quan BHXH chi trả như hiện tại) cao hơn mức lương hưu hiện tại. Khi tham gia chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung, DN và người lao động cùng đóng góp theo tỷ lệ thỏa thuận tại hợp đồng lao động…

 Bộ LĐ-TB-XH cho rằng với mức lương hưu bình quân của người lao động (NLĐ) khoảng hơn 3 triệu đồng/người/tháng là không bảo đảm Đời sống. Vì vậy, nhiều người mong muốn được đóng thêm tiền để được nhận lương nhiều hơn khi về hưu nhưng lại bị khống chế, bởi theo Luật BHXH hiện hành, NLĐ chỉ được đóng BHXH với mức cao nhất không quá 20 tháng lương tối thiểu chung.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung có khả thi?

 Cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu

Theo dự thảo đề án, Quỹ Hưu trí bổ sung hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện. Ngoài phần đóng BHXH bắt buộc, các doanh nghiệp (DN) hoặc NLĐ sẽ tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí bổ sung dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính được thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định. NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản lương hằng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời, bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được Nhà nước chi trả.

Theo một trong các phương án của dự thảo, mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của NLĐ và nếu đóng góp trong 15 năm, số tiền NLĐ được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung sau khi về hưu, bình quân có thể lên đến 5,56 triệu đồng/tháng (trong 15 năm).

Dự kiến, Quỹ Hưu trí bổ sung sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015): Hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số DN; giai đoạn 2 (2015-2020) sẽ hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia; giai đoạn 3 (sau 2020) sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc.

Doanh nghiệp có sẵn sàng tham gia?

Kết quả một cuộc khảo sát do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện vào tháng 6/2011 tại 610 DN ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy có đến 70,33% sẵn sàng tham gia Quỹ Hưu trí bổ sung; 62,6% cho rằng quỹ này sẽ tốt hơn cho Đời sống NLĐ khi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, số liệu của cuộc khảo sát này đã được thực hiện khá lâu lại không được cập nhật, trong khi tình hình kinh tế trong nước đã có nhiều thay đổi. Từ năm 2012 đến nay, trước những khó khăn, nhiều DN đã rơi vào khủng hoảng, không duy trì sản xuất, thậm chí phải phá sản. Theo số liệu thống kê, trong năm 2012, có khoảng 50.000 DN phải tạm dừng hoạt động và giải thể.

Do sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nhiều DN không thể chi trả tiền lương và các chế độ cho NLĐ kịp thời. Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, đến hết năm 2012, các DN và cơ quan còn nợ đọng BHXH 5.825 tỉ đồng. Chính vì vậy, việc kêu gọi DN tự nguyện tham gia Quỹ Hưu trí bổ sung trong bối cảnh hiện nay là không đơn giản, nếu không muốn nói là khó khả thi.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên không áp dụng chính sách này; việc thực hiện chính sách đối với người lao động (nếu có) sẽ được quy định riêng. Mặt khác, cần cân nhắc việc có hay không quy định đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia vào loại hình này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, do đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp, trước mắt chỉ áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia BHXH bắt buộc và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua người sử dụng lao động (người sử dụng lao động đóng một phần hoặc toàn bộ) để thể hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như sự gắn kết trong quan hệ lao động, khuyến khích người lao động làm việc lâu dài cho người sử dụng lao động.

Về điều kiện hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do đây là chính sách hưu trí nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc nên việc chi trả sẽ được thực hiện hàng tháng với thời điểm hưởng và quá trình thụ hưởng sẽ cùng với hưởng lương hưu của BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, do mức hưởng phụ thuộc vào số tiền tích lũy được trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của từng người lao động, vì vậy, người lao động được hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi hưởng lương hưu hàng tháng từ chính sách BHXH bắt buộc (hoặc khi đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH bắt buộc mà không đủ điều kiện về thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng) và số tiền tích lũy được trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động đạt một giá trị tối thiểu theo quy định.

Tính đến hết tháng 6/2015, cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu bình quân là 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có khoảng trên 790 nghìn người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ BHXH.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo congly.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.