1.800 dịch vụ y tế trong danh mục BHYT sắp tăng giá

Theo Bộ Y tế, dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12-2015, giá dịch vụ y tế sẽ tăng theo đúng lộ trình từ trước và áp dụng cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Tăng viện phí liệu có tăng chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh:DN

Viện phí tăng mạnh

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí do Bộ Y tế tổ chức ngày 9-10, ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Thông tư liên Bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Theo đó, toàn bộ khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán đều sẽ được điều chỉnh giá trong Thông tư này.

Giá dự kiến ban hành gồm: Giá khám bệnh, phân theo hạng bệnh viện (bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 chung mức giá); giá ngày giường bệnh phân theo hạng và chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, giá viện phí theo Thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay, trong năm 2016 sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới.

Lý giải về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Liên cho rằng, tăng giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện mà quan trọng hơn cả đó là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện, không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác mà là quyền lợi của người bệnh được hưởng khi tham gia BHYT hoặc mức bồi hoàn chi phí khám, chữa bệnh của BHYT cho người bệnh có thẻ BHYT.

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, với việc điều chỉnh giá viện phí mới bắt đầu từ cuối năm nay, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT sẽ có lợi hơn. Các đối tượng đang tham gia BHYT cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều. Còn những người chưa có thẻ BHYT chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng cao hơn.

Mặc dù việc tăng giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo lộ trình, song theo ông Nam Liên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế rất “nhạy cảm”, do vậy trước tiên liên Bộ phải thực hiện điều chỉnh cho nhóm đối tượng có thẻ BHYT trước còn nhóm khác vẫn thực hiện theo quy định cũ.

Tuy nhiên lộ trình là năm 2016 sẽ điều chỉnh giá dịch vụ với người không có thẻ BHYT.

Tăng giá, chưa tăng chất lượng?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tăng giá dịch vụ sẽ ảnh hưởng lớn tới chi phí của người bệnh, ông Liên thừa nhận việc tăng giá dịch vụ y tế là một chính sách rộng lớn, ảnh hưởng tới hơn 80 triệu người dân Việt Nam, do vậy không thể vừa lòng tất cả đối tượng, đối tượng này bị ảnh hưởng, đối tượng kia không được thụ hưởng, song nếu tính trên tổng thể, đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn.

Còn về việc tăng giá kèm tăng chất lượng, ông Liên cho rằng, khi giá tính đủ sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn (người có thẻ BHYT được bảo hiểm xã hội thanh toán làm tăng quyền lợi của bệnh nhân), đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh”, ông Liên nói.

“Song việc tăng giá này cũng chỉ đủ bù đắp chi phí của bệnh viện còn việc tăng chất lượng còn cần một lộ trình”, ông Liên cho biết.

Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, kỳ vọng từ việc giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí, trong đó có bao gồm chi phí tiền lương, sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ người bệnh tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ.

Còn ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng: Ngay bây giờ cần thay đổi khái niệm “ban ơn” cho người bệnh của nhân viên y tế, bệnh viện phải lấy người bệnh là trung tâm và nhân viên y tế là người phục vụ.

Trả lời câu hỏi tăng lương có đồng nghĩa với tăng chất lượng khám chữa bệnh, ông Khuê khẳng định: Giá dịch vụ y tế chưa được chi trả đúng với năng lực, sự cống hiến do vậy đã ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế, không đủ chi phí để tái đầu tư sức lao động, bệnh viện không đủ kinh phí để bổ sung biên chế phù hợp với định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế.

Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Còn ông Lê Văn Khảm- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế- Bộ Y tế cho rằng, người dân Việt Nam đang đứng trước chi phí thảm họa về y tế và mắc phải bẫy nghèo đói vì bệnh tật bởi tỷ lệ các hộ gia đình phải chi trả chi phí y tế từ tiền túi tương đối cao. Với khoảng 71% dân số có thẻ BHYT nhưng số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi chiếm đến 47%. Trong khi đó chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế lại chưa đáp ứng hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Hiện ngành Y tế đang phấn đấu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trong năm nay lên 75%, đồng thời giảm chi trả từ tiền túi người bệnh xuống còn 40%.

Cũng theo ông Lê Văn Khảm, nếu giá dịch vụ y tế thấp, nhiều người sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích. Tính nhân văn của BHYT là hằng năm chỉ phải đóng một mức kinh phí nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro.

Dự kiến lộ trình tăng giá dịch vụ y tế được thực hiện 2 bước như sau:

Trong năm 2015, dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12 khi Thông tư được ban hành thì thực hiện theo mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật).

Từ 1-3-2016, mực hiện mức giá trong đó bao gồm cả tiền lương của cán bộ y tế.

Còn trong năm 2016, liên Bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT (thời điểm hiện tại chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT).

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.