Được chính thức áp dụng đối với người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc từ 1-1-2008, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện hướng đến mục tiêu tạo lưới đỡ an sinh cho người lao động không làm công ăn lương có việc làm. Vậy nhưng, từ đó đến nay, mới chỉ có chưa tới 1% đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Nguyên nhân nào khiến người lao động chưa mặn mà với
loại hình BHXH này?
Người lao động phi chính thức chưa mặn mà
Căn phòng rộng 5 m2 nằm trong khu xóm trọ ở phường Phúc Tân (Hà Nội), là nơi chị Đỗ Thị Hồng trú ngụ nhiều năm nay. 46 tuổi, sống độc thân nơi đất khách quê người, song ở chị may mắn vẫn giữ được nét lạc quan. Dù chị cho biết, có một khối u vùng tiểu khung đang tồn tại trong người chị, đã ba lần vào bệnh viện cắt bỏ, khối u tiếp tục mọc ra. Tuổi cao, bệnh tật có những ngày thời tiết “ẩm ương” chị không có đủ sức khỏe để lao động. Một ngày không đi làm là một ngày phải cắt bớt chi tiêu.
Năm 17 tuổi, bố mẹ đưa chị Hồng xuống Hà Nội gia nhập “đội quân” lao động tự do. Sống cảnh nhà trọ ở Hà Nội tính đến nay đã gần 30 năm. Mưu sinh khi thì bán hàng rong, khi gánh thuê ở chợ Long Biên. Thấy công việc vất vả, cơ cực nhiều lần dự định về quê, nhưng gần như chị không có đường về, bởi ở quê không biết làm công việc gì. Công việc của chị hiện tại là thu mua đồng nát, cho thu nhập khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Để có tiền chữa bệnh, chị nhận thêm việc dọn dẹp, lau nhà cho những hộ gia đình có nhu cầu. Khi được hỏi về việc tham gia BHXH để có lương hưu lúc tuổi già xế bóng, chị Hồng ngậm ngùi: “Tôi cũng lo nghĩ rất nhiều, khi mình không còn sức lao động thì biết nương tựa vào đâu? Nhưng việc tham gia BHXH tự nguyện thật sự tôi chưa nghĩ đến, bởi trước mắt còn phải lo tiền chữa bệnh và phụng dưỡng bố mẹ”.
Chị Hồng chỉ là một trong số 210 người lao động khu vực phi chính thức (bán hàng rong và đồng nát) tại Hà Nội mà Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) khảo sát mới đây, nhằm tìm hiểu về nhu cầu và mức tiếp cận an sinh xã hội của nhóm lao động di cư. Kết quả khảo sát cho thấy, điều kiện sống của nhóm lao động này thường là khu trọ cũ kỹ, kém vệ sinh, hạn chế trong tiếp cận nước sạch, thông tin… Họ hầu hết không còn trẻ, độ tuổi trung bình 45,1 tuổi, đa số phải làm việc trên 10 giờ/ ngày, để cho mức thu nhập trung bình là 3,3 triệu đồng/tháng. “Nhiều người một thân một mình đi làm ăn, khi bị ốm đau điều họ lo lắng là không có người thân, không có trợ giúp xã hội. Dù vậy, phần lớn người lao động phi chính thức này không thấy rõ về lợi ích của việc tham gia BHXH mang lại nên thờ ơ đối với các chính sách này”, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho biết.
Rào cản tiếp cận BHXH
Thống kê của Viện Khoa học Lao động – Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện mới chỉ có 213.172 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,65% tổng số lao động không làm công ăn lương có việc làm. Việc thực hiện BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức (như nông dân, người lao động tự do, giúp việc gia đình…) này đang gặp phải nhiều rào cản.
Một trong những bất cập lớn nhất, theo PGS, TS Lê Thị Hoài Thu (Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển – thuộc Mạng lưới Hành động vì lao động di cư M.net), đó là sự khác biệt trong chế độ bảo hiểm. Bà dẫn chứng, BHXH tự nguyện chỉ thực hiện với hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi BHXH bắt buộc thực hiện với năm chế độ (ốm đau – thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất). Quy định này vô tình đã trở thành rào cản khiến người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức ít tham gia, nhất là đối với lao động nữ. Trong khi, đặt trong mối tương quan so sánh, để hưởng hai chế độ dài hạn trên, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tới 22% mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn, cao hơn 14% so với người tham gia BHXH bắt buộc (chỉ là 8%).
Lý do quan trọng khác, là thu nhập của đa số người lao động khu vực phi chính thức ở mức thấp, thiếu ổn định. “Hằng ngày phải đối diện với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, nên nhiều lao động tự do đã đứng tuổi lo ngại không biết liệu mình có sống được đến 20 năm nữa để hưởng BHXH mà tham gia hay không? Bởi lẽ theo quy định thời gian đóng BHXH kéo dài, người lao động đủ 60 tuổi đối với nam, và 55 tuổi đối với nữ, phải đủ 20 năm đóng BHXH”, bà Thu nói. Một nguyên nhân nữa, đó là đặc thù của lao động phi chính thức vốn không ổn định, theo mùa vụ, cường độ di chuyển cao, do vậy khó quản lý và tiếp cận. Trong khi công tác truyền thông lại chưa chuyển tải rộng rãi những quy định BHXH tự nguyện (như điều kiện đóng, quyền lợi hưu trí…) tới đối tượng lao động phi chính thức. Theo khảo sát của LIGHT, có tới 91,45% những người bán hàng rong ở Hà Nội chưa biết đến BHXH.
Từ những rào cản ấy, thiết nghĩ các chính sách về BHXH tự nguyện cần được xem xét điều chỉnh giúp người lao động phi chính thức có đủ khả năng tài chính tham gia. BHXH tự nguyện nên mở rộng quyền lợi để người lao động phi chính thức có thể tham gia đóng và hưởng quyền lợi giống như BHXH bắt buộc (thí dụ bổ sung mua và hưởng lợi các chế độ về ốm đau, tai nạn lao động, thai sản…). Để thu hút người lao động phi chính thức tham gia, còn đòi hỏi việc tăng cường vai trò tuyên truyền, phổ biến thông tin về BHXH tự nguyện trên các kênh truyền thông và với các phương thức phù hợp với điều kiện sinh hoạt, làm việc của người lao động phi chính thức, như: thông qua chủ nhà trọ, tổ dân phố, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Cần có cách tiếp cận để người dân hiểu được cụ thể, rõ ràng những lợi ích khi họ tham gia đóng BHXH.
* Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội):
Thực hiện chính sách BHXH nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro. Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người có thể tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH mới có hiệu lực từ 1-1-2016 bổ sung nhiều quy định, như không khống chế tuổi trần tham gia; hạ mức sàn thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng để phù hợp hơn với khả năng tài chính của nhiều người lao động; linh hoạt trong phương thức đóng và hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách Nhà nước.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo nhandan.org.vn)