Nhân dịp đầu năm học mới 2015-2016, trước việc phụ huynh học sinh và nhà trường còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về việc điều chỉnh mức thu BHYT theo quy định mới là đóng 15 tháng thay vì 12 tháng như trước và mức đóng cao theo mức lương cơ sở, Trang Thông tin Điện tử BHXH Việt Nam trân trọng đăng bài viết của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương xung quanh nội dung này.
Ảnh minh họa
BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) là một chính sách nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Được bắt đầu thực hiện từ năm học 1994 – 1995 theo Thông tư liên tịch số 14/1984/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 19/9/1994 của liên Bộ Giáo dục – Đào tạo và Y tế, qua 20 năm triển khai chính sách này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe toàn diện cho HSSV, thế hệ tương lai của đất nước.
Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới, mang lại nhiều quyền lợi cho HSSV khi tham gia BHYT.
Thứ nhất, về thay đổi về mức đóng BHYT, từ năm học 2015 – 2016, Chính phủ quy định mức đóng BHYT học sinh, sinh viên tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở. Đối tượng HSSV đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh tự đóng. Như vậy, từ năm học này, mỗi năm một học sinh từ bậc tiểu học đến bậc đại học đóng 434.700 đồng. Mức đóng này sẽ được giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 30% theo quy định. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT của địa phương chưa sử dụng hết trong các năm trước để hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng, kể cả đối tượng HSSV.
Đối với HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục do địa phương nào quản lý thì ngân sách địa phương đó hỗ trợ, không phân biệt hộ khẩu thường trú của HSSV. Định kỳ 6 tháng, tổ chức BHXH tổng hợp số thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi cơ quan Tài chính để chuyển kinh phí vào Quỹ BHYT.
Đối với HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý thì do ngân sách trung ương hỗ trợ: Định kỳ 6 tháng, tổ chức BHXH tổng hợp số thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi BHXH Việt Nam để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí vào Quỹ BHYT.
Đối với HSSV thuộc các đối tượng khác (như người nghèo, người cận nghèo, thân nhân người có công, thân nhân lực lượng vũ trang…) thì tham gia tại các nhóm này và xuất trình thẻ BHYT cho cơ sở giáo dục khi lập danh sách tham gia BHYT để tránh cấp trùng thẻ BHYT.
HSSV khi đi khám chữa bệnh BHYT vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng HSSV là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công, thân nhân liệt sỹ).
HSSV tham gia BHYT 5 năm liên tục và có chi phí đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB không đúng tuyến) được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học. Theo đó, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đủ điều kiện được trích kinh phí để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).
Vào tháng đầu của năm học hoặc khóa học, tổ chức BHXH có trách nhiệm chuyển số tiền nêu trên cho các cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục thực hiện hạch toán các khoản chi CSSKBĐ vào chi phí thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học và quyết toán với đơn vị quản lý cấp trên theo quy định.
Thứ hai, về thay đổi về thời hạn sử dụng thẻ BHYT, điểm mới thứ hai là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh sinh viên là theo năm tài chính, từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm.
Những năm học trước, thẻ BHYT học sinh có giá trị sử dụng từ đầu năm học (đầu tháng 9 hoặc tháng 10) và hết hạn sau 12 tháng (cuối tháng 8 hoặc 9 năm sau).
Thứ ba, về phương thức đóng BHYT, theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng BHYT của HSSV là 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Định kỳ 6 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số lượng thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu BHYT của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ, gửi cơ quan Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHYT.
Năm học 2015-2016 là năm đầu khi triển khai theo quy định mới thu đóng phí BHYT học sinh mức cao hơn và có thể một số địa phương thu luôn BHYT của 15 tháng (từ tháng 10/2015 đến hết tháng 12/2016), gây khó khăn cho nhiều gia đình có nhiều con đang đi học.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn cho nhóm đối tượng là HSSV tham gia BHYT năm học 2015-2016, BHXH Việt Nam kiến nghị Liên Bộ Y tế – Tài chính cho thực hiện thu BHYT HSSV linh hoạt hơn theo:
– 3 tháng (từ tháng 10/2015 đến hết tháng 12/2015);
– 6 tháng hoặc 9 tháng (từ 01/2016-30/6/2016 hoặc 01/2016- 30/9/2016);
– 6 tháng hoặc 3 tháng còn lại (từ 30/6/2016-30/9/2016 hoặc 30/6/2016- 31/12/2016).
– Hoặc thu BHYT HSSV theo năm học, khóa học và thẻ BHYT có giá trị sử dụng theo năm học, khóa học.
BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngày càng thực hiện tốt hơn chính sách BHYT, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)