Bảo hiểm phi nhân thọ có thể chạm ngưỡng tăng trưởng 18%

Với doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 15.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, toàn khối bảo hiểm phi nhân thọ có lý do để tin tưởng rằng, cả năm cầm chắc mức tăng trưởng 2 con số, có thể lên tới 17-18%.

Tại buổi làm việc các ban nghiệp vụ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có sự tham dự của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới đây, con số tăng trưởng tới 17-18% cả năm 2015 được các thành viên tham dự dự liệu là sẽ đạt được, dựa trên đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay.

Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2015, không có quý nào khối bảo hiểm phi nhân thọ chịu mức tăng trưởng âm, mà đều đặn tăng trưởng. 5 tháng đầu năm, doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 12.286 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 46%.

 Đa số các ý kiến đều nhất trí cho rằng, đã có nhiều điểm thuận lợi tạo nên kết quả kinh doanh khả quan của DNBH trong những tháng đầu năm. Trong đó, một số quy định mới tại Thông tư 194 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 đã góp phần cải thiện hoạt động kinh doanh của khối này. Chẳng hạn, quy định mới về thành lập chi nhánh không giới hạn về vốn, về số lượng và kiểm soát sau đã thoáng hơn, tạo điều kiện để các DNBH mở rộng hệ thống chi nhánh, công ty thành viên, từng bước gia tăng doanh thu phí.

Ngoài ra, các quy định về thuế cũng đã bãi bỏ giới hạn chi phí trong quảng cáo, khuyến mại, giúp các DNBH đẩy mạnh khuyến mại cho khách hàng, nhằm góp phần tăng doanh thu; quy định về đại lý cũng thông thoáng hơn, chỉ quản lý chất lượng đại lý qua thi cấp chứng chỉ.

Mặc dù vậy, theo quy định mới, chi phí của nghiệp vụ nào phải phân bổ cho nghiệp vụ đó, thế nên, nếu DNBH sa đà vào khuyến mại tràn lan, dẫn đến lỗ nghiệp vụ 2 năm liên tiếp, Bộ Tài chính sẽ cho dừng triển khai nghiệp vụ đó và yêu cầu làm theo chỉ đạo.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của khối DNBH phi nhân thọ trong các quý đầu năm 2015 khi tạo nên mức tăng trưởng đáng ghi nhận kể trên, tuy nhiên, một số khuyến cáo thị trường đã được đưa ra. Theo đó, tình trạng nợ đọng phí bảo hiểm ngày càng nhiều, dẫn đến khả năng mất vốn chủ sở hữu, khó kêu gọi cổ đông góp vốn bổ sung cho đủ vốn pháp định.

“Đã có hiện tượng chi nhánh các DNBH phi nhân thọ ghi nhận doanh thu ảo để hoàn thành chỉ tiêu. Các DNBH cần phân chia các khoản nợ phí dưới 90 ngày, dưới 180 ngày, dưới 360 ngày… để theo dõi thu hồi, các khoản nợ phí trên 2 năm phải kết chuyển vào lỗ”, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết.

Liên quan đến nợ phí, các thành viên cũng lưu ý thêm rằng, cần chia hạn đóng phí phù hợp với thời hạn bảo hiểm, tránh trường hợp kiện tụng số phí đã đóng tương ứng với thời gian được bảo hiểm và khi chấm dứt hợp đồng, phải làm thanh lý hợp đồng, hoàn trả phí bảo hiểm (nếu có).

Chỉ còn hơn 3 tháng là kết thúc năm 2015, các thành viên khối bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, bên cạnh quyết tâm về đích tăng trưởng cả năm ở mức 17-18% của toàn thị trường, vẫn còn những phần việc chính khác cần triển khai, đặc biệt là góp ý hoàn thiện cho các văn bản pháp lý.

 Theo đó, từ nay đến cuối năm, các DNBH sẽ tích cực nghiên cứu, đóng góp các ý kiến để bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý như Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 45, 46, Thông tư 126, Thông tư 151 nhằm đảm bảo sự thông thoáng trong giải quyết hồ sơ, kiểm soát trục lợi, mức tăng phí bảo hiểm và tăng mức trách nhiệm phù hợp.

Ngoài ra, việc đóng góp ý kiến về một số sản phẩm bảo hiểm mới hoặc tiếp tục triển khai như bảo hiểm xây dựng lắp đặt (chủ dự án, nhà thiết kế, người sử dụng lao động), bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm đánh bắt xa bờ, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cũng cần được quan tâm, vì gắn liền với hoạt động kinh doanh của khối phi nhân thọ. Trong đó, cần lưu ý việc triển khai bảo hiểm tài sản công do sản phẩm bảo hiểm này đang được Chính Phủ quan tâm.

Thêm vào đó, giá trị tài công tại Việt Nam là rất lớn, với 360.000 tỷ đồng là tài sản hữu hình, 20.000 tỷ đồng là ô tô, chưa kể tài sản của các DN, các tập đoàn Nhà nước.  

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.