Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT),
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ phê duyệt.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/12/2012 của Bộ Chính trị xác định rõ, để đạt mục tiêu đề ra thì một trong các giải pháp quan trọng là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT. Theo đó, khoản 3 Điều 13 Luật BHXH năm 2014 quy định như sau: Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Vì vậy, để hướng dẫn khoản 3 Điều 13 Luật BHXH năm 2014 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 20 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất quy định cụ thể về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT…
Theo dự thảo, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT ở Trung ương là BHXH Việt Nam. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT ở các tỉnh, thành phố là BHXH cấp tỉnh. Dự thảo nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT là thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT khi phát hiện hoặc được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, về thanh tra việc đóng BHXH, BHTN, BHYT đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý còn hai luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, luồng ý kiến thứ nhất: Nghị định loại trừ các đối tượng có liên quan đến việc đóng BHXH, BHTN, BHYT thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý (khoản 2 Điều 2). Lý do bởi thực tế, việc đóng BHXH, BHTN, BHYT của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thực hiện tương đối nghiêm túc, chưa thấy tình trạng chây ỳ, nợ đọng. Các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý có những đặc thù riêng, bí mật riêng, đòi hỏi cách thức quản lý riêng. Hiện nay, hoạt động thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT của các đối tượng nêu trên do Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện, như vậy vẫn đảm bảo không sót đối tượng được thanh tra. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban soạn thảo chọn luồng ý kiến này và đã thể hiện tại khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Nghị định.
Luồng ý kiến thứ hai: Nghị định không loại trừ các đối tượng có liên quan đến việc đóng BHXH, BHTN, BHYT thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Lý do là khoản 3 Điều 13 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo quy định này, không loại trừ đối tượng tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo suckhoedoisong.vn)