Cơ hội để người lao động tự do cũng được nhận “lương hưu” khi về già

hác với chế độ bảo hiểm hưu trí hiện hành của bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm hưu trí tự nguyện được đánh giá là cạnh tranh và mở rộng hơn cả về đối tượng tham gia, quyền lợi bảo hiểm, cũng như cách thức chi trả. Với sản phẩm mới này, bất kể công dân Việt Nam nào (đặc biệt là người dân không được hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí của BHXH) đều có thể chủ động tạo nên “lương hưu” (quyền lợi hưu trí) cho mình khi hết tuổi lao động. Đó là nội dung được đề cập trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn thiết lập Quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện và triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện do Bộ Tài chính ban hành dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng bẩy sắp tới.

Bổ sung những điểm còn thiếu trong bảo hiểm hưu trí bắt buộc

Nhằm mục đích trợ cấp một phần mức thu nhập cho người lao động sau khi nghỉ hưu, góp phần bảo trợ và an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí của bảo hiểm xã hội ra đời. Đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước triển khai, hoạt động theo nguyên tắc cân bằng thu chi trong từng năm. Tuy nhiên, những đối tượng như: người lao động tự do, nông dân, buôn bán, kinh doanh lại không phải đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội. Câu chuyện về một xã thuần nông tại Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) đã tự tạo nên một quỹ bảo hiểm phúc lợi riêng của xã bằng khoản tiền nho nhỏ mỗi người dân đóng hàng tháng để trả “lương hưu” đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người nông dân lúc về già cho thấy được hưởng “lương hưu” là mong ước lớn của đại đa số người dân.

 Bảo hiểm hưu trí tự nguyện chính là giải pháp nhằm bổ sung và hoàn chỉnh những điểm còn thiếu của chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc, tạo điều kiện cho người lao động tự do, nông dân, người buôn bán, kinh doanh đảm bảo cuộc sống, có chi phí trang trải cho sinh hoạt khi về già.

Ưu điểm của bảo hiểm hưu trí tự nguyện là người tham gia bảo hiểm hoàn toàn chủ động về mức phí, thời gian đóng phí, và cách thức nhận “lương hưu”. Thay vì phải lĩnh định kỳ hàng tháng hoặc “về một cục” như bảo hiểm hưu trí bắt buộc, người tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện có thể lựa chọn cách thức chi trả theo tháng, quý, hoặc năm. Bên cạnh đó, số tiền được lĩnh cũng có thể được điều chỉnh tăng dần tùy theo cam kết giữa người tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm. Thời gian người tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện được nhận “lương hưu” sẽ không ít hơn 15 năm. Trong thời gian này, nếu người tham gia bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thì người thụ hưởng sẽ nhận số tiền còn lại của bảo hiểm hưu trí. Trong khi đó, đối với chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc, thời gian được nhận bảo hiểm sẽ kết thúc khi người tham gia bảo hiểm tử vong.

Ở mức độ cao hơn, nếu người tham gia bảo hiểm có đủ điều kiện kinh tế và có nhu cầu có thể tham gia thêm các quyền lợi bổ trợ như: trợ cấp mai táng, bảo hiểm tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tăng mức chi trả hưu trí định kỳ theo chỉ số giá sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nằm viện, bảo hiểm cho người phụ thuộc, …

Thời điểm tốt để triển khai

Hầu hết các chuyên gia đến từ các tập đoàn bảo hiểm quốc tế đều cho rằng, đây là thời điểm tốt để triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện bởi bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng (50 triệu người trong độ tuổi lao động trên tổng số 87 triệu người), nhu cầu chi tiêu ngày một cao của người dân khi đến tuổi nghỉ hưu, … thì điểm mấu chốt nhất chính là cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trên thị trường hiện nay có có 15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Phần lớn trong số này là các công ty đa quốc gia, có kinh nghiệm trong việc triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại thị trường Anh, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông. Các công ty này đã có thời gian dài nghiên cứu và khảo sát thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, để khuyến khích bảo hiểm hưu trí tự nguyện, Nhà nước dự định sẽ ưu đãi về thuế. Người lao động sẽ được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện (theo quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung luật thuế thu nhập cá nhân dự kiến hiệu lực từ ngày 1/7/2013, số tiền phí đóng góp được khấu trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế là 1 triệu đồng/tháng hay 12 triệu đồng/năm). Đối với chủ lao động mua bảo hiểm hưu trí cho người lao động, phần phí đóng góp sẽ được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thêm vào đó, hành lang pháp lý cũng được các cơ quan chức năng dần hoàn thiện. Dự thảo Thông tư hướng dẫn thiết lập quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện và triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện vừa được Bộ Tài chính công bố sau nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra những quy định cụ thể nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Để đảm bảo tính minh bạch, dự thảo Thông tư quy định các DNBH phải thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của quỹ hưu trí tự nguyện với các quỹ chủ hợp đồng khác và quỹ chủ sở hữu. Đồng thời các DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện phải ủy thác hoặc thuê công ty quản lý quỹ (đáp ứng các tiêu chuẩn của về kinh nghiệm về trình độ) để quản lý doanh mục đầu tư các tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện.

Để đảm bảo độ an toàn cao cho quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ danh mục các DNBH không được đầu tư bao gồm: cổ phiếu của các công ty chứng khoán, đầu tư trực tiếp vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại, đá quý. Bên cạnh đó, chỉ những doanh nghiệp nào có năng lực tài chính vững mạnh (vốn pháp định 1.000 tỉ đồng, biên khả năng thanh toán tối thiểu trên 300 tỉ đồng), đáp ứng được các điều kiện về công nghệ thông tin, kinh nghiệm quản trị, điều hành mới được triển khai sản phẩm này. Đồng thời, để tạo nên quỹ, DNBH phải đóng góp vào quỹ ít nhất 200 tỷ đồng và không được rút số tiền này ra khỏi quỹ. 

Đại diện của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng người dân có thể hoàn toàn tin tưởng vào tính minh bạch và độ tin cậy của quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Trong trường hợp nếu doanh nghiệp phá sản (đây là trường hợp cực kỳ hi hữu), các hợp đồng bảo hiểm sẽ được chuyển giao sang DNBH khác quản lý. Với những yêu cầu khắt khe về khả năng tài chính và trang bị công nghệ thông tin của doanh nghiệp được phép triển khai, việc quản lý những hợp đồng này không có gì phức tạp. Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm có thể hoàn toàn yên tâm vì sắp tới sẽ cho triển khai Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Ngọc Châm

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.