“Áp dụng chuẩn mực kiểm toán nội bộ quốc tế phù hợp với thực tế DN bảo hiểm Việt Nam không khó, vấn đề là ý thức”. Đó là quan điểm của ông Prajeesh Mukundan, Giám đốc Dịch vụ tư vấn bảo hiểm Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam).
Dường như các công ty bảo hiểm Việt Nam ít thấy nói nhiều về chủ đề kiểm toán nội bộ, theo ông lý do tại sao?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của kiểm soát rủi ro cũng như kiểm toán nội bộ càng ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, nhất là ở các nước phương Tây, vai trò kiểm toán nội bộ ngày càng trở nên quan trọng. Các công ty chủ động hơn trong việc xác định rủi ro, nhất là rủi ro trọng yếu, đồng thời họ cũng đang xây dựng các phương pháp, chương trình, cách thức tiếp cận kiểm toán có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò của kiểm toán nội bộ còn rất mờ nhạt. Đây không là vấn đề riêng tại Việt Nam, mà hầu hết các nước đang phát triển, ưu tiên hàng đầu vẫn là mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận. Các vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ chưa được chú trọng một cách đầy đủ. Điều này cần được cải thiện trong tương lai.
Như vậy, việc chưa chú trọng tới kiểm toán nội bộ là có tính hệ thống, để thay đổi điều này cần yếu tố gì?
Để các doanh nghiệp chú trọng hơn về rủi ro, vai trò của các nhà làm luật rất quan trọng. Điều thuận lợi là họ có thể học hỏi kinh nghiệm, các quy định luật pháp ở các thị trường phát triển để xây dựng các quy định cụ thể liên quan đến kiểm toán nội bộ và áp dụng các quy định đó vào thị trường Việt Nam.
Chẳng hạn, những thông lệ tốt mà Việt Nam có thể áp dụng là phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro, thay vì sử dụng phương pháp kiểm tra chọn mẫu truyền thống. Việc áp dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu sẽ hỗ trợ khoanh vùng những giao dịch có rủi ro lớn, hoặc có xác suất xảy ra sai sót cao. Nhờ đó, những lĩnh vực rủi ro cao sẽ được chú trọng hơn và các quy trình kiểm toán sẽ tập trung vào việc giải quyết những rủi ro đó, điều này giúp bộ phận kiểm toán nội bộ ở Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn.
Dù quá trình áp dụng các kỹ thuật này có thể khó khăn, phải cần nhiều thời gian để tìm hiểu và nắm bắt được, nhưng nếu các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng và sẵn sàng học tập các thông lệ tốt từ các nước khác thì chắc chắn trong tương lai, bộ phận kiểm toán nội bộ sẽ phát triển đúng hướng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tức là áp dụng các chuẩn mực tốt về kiểm toán nội bộ vào doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải là quá khó?
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu các chuyên gia kiểm toán nội bộ có bằng cấp quốc tế và có kiến thức được đào tạo bài bản. Ngay đối với những doanh nghiệp chưa có nhân sự được đào tạo và có các bằng cấp quốc tế, việc áp dụng chuẩn mực quốc tế liên quan đến kiểm toán nội bộ cũng không phải chuyện quá khó.
Vấn đề của Việt Nam nằm ở nhận thức của mọi người về vai trò, tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ và giá trị bộ phận này mang lại trong việc kiểm soát rủi ro. Hiện tại, ở Việt Nam, một số công ty vẫn có văn hóa là nếu có quy định thì người ta mới tuân thủ, thay vì chủ động áp dụng các thông lệ tốt đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định hiện tại đối với các ngân hàng hoặc các công ty bảo hiểm là phải có bộ phận kiểm toán nội bộ và những ngân hàng và công ty bảo hiểm nào nhận thức được vai trò của hoạt động này sẽ xây dựng những bộ phận này tốt, thuê những chuyên gia nước ngoài để trang bị kiến thức cũng như phương pháp làm việc cho bộ phận ấy. Còn các công ty khác cũng sẽ thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ để đáp ứng luật quy định, nhưng bộ phận ấy nhiều khi chỉ mang tính hình thức, đối phó. Bởi lẽ, ban lãnh đạo chưa nhận thức được tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ và do đó chưa dành ra ngân sách thích đáng để phát triển bộ phận này.
Như vậy, vấn đề là nhận thức vai trò của kiểm toán nội bộ. Ông có thể chia sẻ thêm về điểm này tại các doanh nghiệp mà ông tham gia tư vấn?
Khi tham gia một số dự án tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng cường năng lực bộ phận kiểm soát nội bộ, cũng có vấn đề đặt ra liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực. Như tôi đã đề cập ở trên, hiện Việt Nam không thiếu nhân lực, nhưng thực tế có hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu. Có những người làm tốt, thông minh, sẵn sàng học hỏi và áp dụng được những phương pháp của thế giới. Tuy vậy, vẫn còn có những nhân sự được đặt vào vị trí đó chỉ để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, họ không phải người thực sự thấy được lợi ích cũng như chứng tỏ được giá trị họ đem lại cho doanh nghiệp. Những trường hợp này, khi được đào tạo họ cũng không giành thời gian học hỏi hoặc không chú trọng tìm hiểu cách thức áp dụng kiểm toán nội bộ cho doanh nghiệp của họ. Vì vậy, tuy được những người có kiến thức đào tạo, chia sẻ vốn hiểu biết nhưng họ vẫn không sẵn sàng tiếp thu thì cũng rất khó. Đó là những vướng mắc liên quan đến nhận thức của người tiếp cận, chứ không phải do sự khác biệt giữa thị trường Việt Nam và thế giới.
Khi áp dụng các phương pháp vào từng công ty thì người chịu trách nhiệm về kiểm toán nội bộ của mỗi công ty phải có hiểu biết, đánh giá sâu về hoạt động của từng doanh nghiệp để họ xây dựng phương pháp kiểm toán nội bộ phù hợp. Một số doanh nghiệp gặp khó trong việc chuyển đổi sao cho phù hợp, điều này liên quan đến chất lượng nhân sự nhiều hơn. Có những người đã ở doanh nghiệp đó rất lâu và hiểu biết nhiều về doanh nghiệp, khi được trang bị phương pháp có thể triển khai và làm rất tốt. Có những người được tuyển dụng vào doanh nghiệp chỉ để đáp ứng các yêu cầu luật định nhưng họ lại chưa có hiểu biết về doanh nghiệp, thì bản thân họ không thể nào tự xây dựng và phát triển phương pháp kiểm toán phù hợp ngay được.
Và điểm mấu chốt để thành công là…?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những người tư vấn như chúng tôi chỉ có thể giúp đưa ra phương pháp, cách tiếp cận, bài học kinh nghiệm, chứ không thể làm thay được. Mỗi doanh nghiệp phải tự phát triển và triển khai. Tất nhiên, công việc kiểm toán nội bộ cũng không hề dễ dàng, nhưng cũng không đến mức quá khó khiến người Việt Nam không làm được, có điều còn phụ thuộc vào thời gian, công sức, tâm huyết chúng ta bỏ ra.
Tôi muốn lấy ví dụ về Tập đoàn Bảo Việt, năm 2007, sau khi cổ phần hóa và có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài, HĐQT và Ban điều hành đã nhận thức rõ được vai trò của kiểm toán nội bộ và họ đã có những kế hoạch để xây dựng và phát triển đội ngũ kiểm toán nội bộ của họ. Thời điểm ban đầu mới thành lập, Bảo Việt chỉ có một vài người chưa bao giờ tiến hành các công việc của kiểm toán nội bộ, mà chỉ là những người có kinh nghiệm liên quan đến công việc kiểm tra kiểm soát nội bộ. Ở thời điểm hiện tại, bộ phận kiểm toán nội bộ của Bảo Việt đã lên tới khoảng 40 người được đào tạo và trang bị các kiến thức, phương pháp để tiến hành hiệu quả công việc kiểm toán nội bộ, các phát hiện và khuyến nghị của bộ phận kiểm toán nội bộ đã được đánh giá cao bởi Ban điều hành và HĐQT. Đây là một ví dụ thành công để chứng minh rằng, nếu có nhận thức đầy đủ và sự quyết tâm, hệ thống kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể được xây dựng với chất lượng tốt.
Hồng Dung thực hiện
Bảo Hiểm Bảo Việt