Nhiều nơi, người dân không có điều kiện mua bảo hiểm y tế; các doanh nghiệp thì tìm cách trốn đóng bảo hiểm y tế để trục lợi, khiến cho số người tham gia bảo hiểm y tế từ đầu năm 2015 đến nay quá thấp. Bảo hiểm xã hội Việt Nam buộc phải tính đến phương án hình sự hóa đối với những trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Trốn đóng bảo hiểm y tế chưa giải quyết
Chiều 29.6, trao đổi với báo chí thông tin về “Ngày bảo hiểm Việt Nam (1.7)”, TS Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết tính đến hết tháng 5 năm 2015 cả nước có khoảng 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chỉ mới đạt tỷ lệ bao phủ 71,4%, trong khi đó, chỉ tiêu mà Bộ Y tế đưa ra là phải đạt tỷ lệ 75%. Như vậy còn đến 3,6% mới đạt yêu cầu đề ra.
Bỏ qua vấn đề “ưu khuyết điểm” của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi khiến người mua bảo hiểm y tế gặp khó khăn, hoặc không hào hứng mua bảo hiểm y tế, còn có một thực tế là chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc về vấn đề này.
Theo ông Khảm, nhiều tỉnh, thành phố chưa đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là một trong những tiêu chí phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thậm chí có một điều rất đáng trách, qua kiểm tra 13 tỉnh, thành phố trong việc triển khai Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, nhiều người dân, kể cả cán bộ xã – phường chưa biết mua bảo hiểm y tế ở đâu; đối tượng nào phải tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình và có bắt buộc không; mức đóng bảo hiểm y tế cụ thể của hộ là bao nhiêu; giảm mức đóng như thế nào…
Trong khi đó, hệ thống bán thẻ bảo hiểm y tế của xã – phường và đại lý bán thẻ bảo hiểm y tế của hệ thống bưu điện đều không ổn định, không chuyên nghiệp, có nơi cán bộ đại lý vừa được tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ bảo hiểm y tế xong thì tháng sau đã nghỉ việc.
Câu chuyện bảo hiểm y tế gặp khó khăn trong việc mở rộng đối tượng người mua còn do có quá nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế, và hàng triệu học sinh – sinh viên không có điều kiện mua bảo hiểm y tế.
TS Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Chính sách bảo hiểm y tế – xã hội ( Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết trong số hơn 20 triệu học sinh – sinh viên của cả nước có đến 25% chưa mua bảo hiểm y tế. Như vậy có đến hơn 5 triệu học sinh, sinh viên chưa mua bảo hiểm y tế. Ngoài ra còn có đến 49% số người trong các doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế.
“Trong số các sinh viên chưa mua bảo hiểm y tế, phần lớn là những sinh viên năm thứ 2 trở đi. Dù những sinh viên này đã ở vào độ tuổi trưởng thành, nhưng vẫn lệ thuộc vào kinh tế gia đình. Trong khi đó, các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế nhưng chúng ta chưa có một chế tài để xử phạt nghiêm vấn đề này. Có thể thấy rằng, đến nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế”, ông Sơn nói.
Sẽ đưa vào hình sự hóa
Hiện nay việc chế tài xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế chưa đủ mạnh. Dù Luật bảo hiểm y tế sửa đổi quy định những đơn vị không đóng bảo hiểm bị phạt gấp 2 lần so với lãi liên ngân hàng; nhưng vẫn chưa xác định lãi liền ngân hàng là như thế nào.
Nhiều ông chủ doanh nghiệp còn cho rằng lợi dụng được tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là cách thức huy động vốn hiệu quả nhất. Ngay cả bị phạt cũng không bằng lãi suất ngân hàng mà các doanh nghiệp này đi vay. Chính vì điều này, các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ngày càng nhiều.
Theo ông Sơn, ở nước ngoài các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được xem là trốn thuế và bị xử lý hình sự với tội danh “trốn thuế”, bị bỏ tù. Trong khi đó ở Việt Nam chỉ mới dừng lại mức xử phạt hành chính, nhưng mức phạt lại chưa cao.
“Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang trong quá trình bàn thảo có hình sự hóa việc trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm hay không”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, sắp tới đây cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thay vì để UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội như trước đây. Do quá nhiều việc cũng như chưa có chuyên môn về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên những đơn vị này chưa sâu sát trong vấn đề thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm y tế.
Ông Sơn thừa nhận còn gần 30% người dân chưa mua bảo hiểm y tế; 3,6% người dân mua nữa mới đạt chỉ tiêu số lượng người mua bảo hiểm trong năm 2015 này là một thách thức cực kỳ lớn của cả hệ thống chính trị bởi hiện nay những người chưa mua bảo hiểm y tế cùng một lúc không thỏa mãn 2 điều kiện tham gia bảo hiểm. Những người này vừa không có nguồn thu nhập ổn định, vừa không được quản lý bởi một tổ chức nào sẽ cực kỳ khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, trước mắt để tăng số người tham gia bảo hiểm y tế trong 6 tháng còn lại của năm 2015, nhằm đạt được mục tiêu 75% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Bộ Y tế sẽ khắc phục triệt để những vướng mắc về thủ tục hành chính với nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm hộ gia đình. Công tác truyền thông sẽ được thay đổi về cách thức truyền thông, tăng dần hình thức truyền thông trực tiếp, tiếp cận cộng đồng và gia đình. Nội dung truyền thông cụ thể, dễ hiểu, chẳng hạn thủ tục khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, mức đóng bảo hiểm y tế hằng năm…
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo motthegioi.vn)