Thời gian qua, cổ phiếu bảo hiểm vẫn là một trong những lực đỡ giúp thị trường tăng điểm. Thế nhưng trong ngắn hạn, giới chuyên môn cho rằng cổ phiếu này không hấp dẫn.
Lợi thế về phí
Sau ba năm sụt giảm liên tục, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc lần đầu tiên cho thấy sự khởi sắc trong năm 2014.
Kết quả này là nhờ sự hồi phục kinh tế và những nỗ lực tái cấu trúc của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) trong suốt giai đoạn khó khăn.
Bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm sức khỏe vẫn là những phân khúc có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong các năm qua.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất thường thuộc về những phân khúc như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển.
Trong năm 2015, kỳ vọng các DN bảo hiểm có kết quả kinh doanh khả quan, vì trong năm nay, ngành BHPNT sẽ có những chuyển động đáng kể.
Cụ thể, các DN bảo hiểm đang chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 194/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 124 và Thông tư 125 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, liên quan đến việc theo dõi riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm (thời gian cuối cùng để áp dụng là 1/1/2016).
Chi phí quản lý của các công ty bảo hiểm có thể gia tăng thêm. Bên cạnh đó, theo lộ trình, việc thoái vốn ngoài ngành của một số tập đoàn cũng như thoái vốn nhà nước của SCIC tại các công ty bảo hiểm sẽ phải hoàn tất trong năm 2015.
Hiện có khá nhiều công ty bảo hiểm đã khởi động kế hoạch tăng vốn từ năm 2014 và cố gắng hoàn tất cuối năm nay, nhằm nâng cao năng lực tài chính trước khi Nhà nước có những điều chỉnh nhằm tăng cường quản lý lĩnh vực này.
Hiện nay, thị trường BHPNT có đến hơn 70% thị phần tập trung vào các DN đầu ngành như PVI (23%), Bảo Việt (21%), Bảo Minh (10%), PJICO (7%), PTI (6%). Phần còn lại được chia sẻ bởi 24 DN khác.
Cân nhắc lựa chọn
Với tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt trong các phân khúc như vừa phân tích trên, nhà đầu tư có thể để ý đến những DN thị phần lớn trong các phân khúc: bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản.
Tuy nhiên, không nên chỉ cân nhắc yếu tố phí tăng mà phải xem sự tương quan các chính sách của Nhà nước, ngành bảo hiểm có thể phát triển theo chiều sâu, thiên về tăng chất lượng phục vụ và đa dạng hóa sản phẩm.
Cùng lúc đó, có thể quan tâm nhiều đến DN có hệ thống phân phối tốt, hiệu quả và có khả năng kiểm soát tốt chi phí như PJICO (PGI).
HIện tại, PJICO là một trong những DN BHPNT lớn nhất trên thị trường với thị phần dẫn đầu trong mảng bảo hiểm xe cơ giới.
Bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm tàu biển cũng là những phân khúc mà PGI có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ có mức độ chuyên môn hóa cao trong ngành, như PVI, BVH, PTI nhờ mối quan hệ mật thiết với các hãng vận tải biển lớn như VIP, VOS, Vinalines, Vinashin… thông qua cổ đông lớn Petrolimex.
Được biết, PGI đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ vốn tăng thêm tối đa là 20%.
Danh mục đầu tư khá thận trọng, do vậy, nếu tăng được quy mô vốn chủ sở hữu (thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu hay cổ đông chiến lược), PGI có thể tăng tỷ trọng đầu tư vào các mảng có rủi ro cao hơn nhưng tỷ suất sinh lời tốt hơn như cổ phiếu.
Hay cổ phiếu BIC cũng có những lợi thế nhất định. Đó là tận dụng mạng lưới cơ sở từ cổ đông lớn là BIDV.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu khá, vào khoảng 25% (2014) và dự kiến tăng trưởng ít nhất 16% (2015) cùng với tỷ lệ ROE khá cao (11-14%) là điểm nhấn của BIC.
Việc BIC có kế hoạch phát hành tối đa 30% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, vốn dự kiến sau khi phát hành vào khoảng 1.400-1.500 tỷ đồng là cơ hội để nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Những cổ phiếu còn lại như PVI, BMI, BVH… đang là những cổ phiếu đầu ngành, là trụ đỡ cho các chỉ số trên thị trường. Sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành này đang rất cao, có thể kỳ vọng vào khả năng sinh lời.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về ngành, xét về giá trị DN, doanh thu phí mặc dù tăng trưởng nhưng quan trọng nhất đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn là thu nhập từ đầu tư và tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu đối với hoạt động này. Vì vậy, phần lớn lợi nhuận đến từ khoản lãi tiền gửi (trên 60%).
Việc lãi suất huy động liên tục giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của DN kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, kết quả kinh doanh trong ngành vẫn chưa thể cải thiện đáng kể trong năm nay mặc dù doanh thu phí có thể tăng trưởng.
Mặt khác, để bù đắp sụt giảm lợi nhuận từ lãi tiền gửi ngân hàng, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư bên ngoài Việt Nam, như thành lập công ty liên doanh, liên kết với DN bảo hiểm tại nước ngoài như Lào, Campuchia. Hoặc DN có thể cân đối danh mục đầu tư bằng cách loại bỏ những khoản đầu tư không hiệu quả.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo doanhnhansaigon.vn)