Bảo hiểm tín dụng thương mại mang lại lợi ích cho các bên. NH hạn chế được rủi ro nguồn vốn, còn DN xuất khẩu thì được vay vốn và hưởng nhiều dịch vụ hơn. Lĩnh vực thanh toán có bảo hiểm trọn gói này chỉ trở thành cơ hội cho những nhà XK nếu biết giành lấy cơ hội.
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc CTCP Bảo Minh cho biết, doanh thu phí bảo hiểm tín dụng thương mại năm 2014 của đơn vị này ở mức hơn 17 tỷ đồng. Nguồn thu này đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam, còn số lượng DN trong nước tham gia dịch vụ này không quá “năm đầu ngón tay”.
Một vấn đề rất đáng quan tâm là gần đây các giao dịch bán hàng ra quốc tế, DN xuất khẩu chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán chuyển tiền bằng điện có bồi hoàn (Telegraphic Transfer Reimbursement – TTR) trong thanh toán thư tín dụng (L/C). Hình thức chuyển tiền bằng điện đẩy các nhà bán hàng vào tình trạng rủi ro hơn rất nhiều so với L/C, nếu bên bán (không mua bảo hiểm) nhận tiền sau có thể không nhận được tiền hàng nếu bên mua bị phá sản… Nếu DN xuất khẩu mua bảo hiểm tín dụng thương mại thì NH trong nước sẽ sử dụng công cụ yêu cầu NH và bảo hiểm phía nhập khẩu chiết khấu.
Kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm tín dụng thương mại của Bảo Minh năm nay dự kiến khoảng 32 tỷ đồng. Nhưng bản thân nhà kinh doanh dịch vụ này cũng thừa nhận, gia tăng doanh thu phí bảo hiểm cũng rất khó khăn khi mà các nhà xuất khẩu hiện chưa muốn tham gia vì còn lo ngại chi phí đẩy giá trị hàng hóa trên thị trường quốc tế. Mặc dù những rủi ro thanh toán do trì hoãn không trả tiền của bên mua luôn thường trực, khi mà bên mua hàng những năm gần đây có xu hướng trả tiền hàng sau. Trong khi thực tế rất ít tín dụng thư được bồi thường, trừ khi nó được NH xác nhận bằng bộ chứng từ xuất khẩu của bên bán hàng.
Ông Nguyễn Thúc Vinh, Phó tổng giám đốc Eximbank thừa nhận một thực tế, hình thức TTR hiện chiếm đến hai phần ba của NH, trong khi hình thức thư tín dụng rất thấp.
Trong một thỏa thuận bảo hiểm tín dụng thương mại ba bên: công ty bảo hiểm trong nước, NH và nhà tái bảo hiểm quốc tế của Bảo Minh, Coface, Eximbank, ông Lê Văn Thành hy vọng sẽ có nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia vào bảo hiểm tín dụng thương mại. Điều này sẽ góp phần an toàn thanh toán xuất khẩu phát triển, nâng cao giá trị hàng nông, thủy sản cho nông dân. Theo các NH, bản thân họ cũng muốn tham gia vào chuỗi bảo hiểm tín dụng thương mại để hạn chế rủi ro đối với những khoản vốn vay của DN xuất khẩu. Nhưng cũng phải công bằng mà nói, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ này hiện quá nghèo nàn, nên DN không có nhiều lựa chọn để làm công cụ “phòng vệ” trong thanh toán.
Về bản chất, bảo hiểm tín dụng thương mại cũng chi trả đền bù nếu các nhà thương mại quốc tế gặp rủi ro thanh toán. Thế nhưng một hợp đồng bảo hiểm tín dụng thương mại với nhiều phần phức tạp khác nhau. Trong đó có phần liên quan đến những rủi ro tín dụng đối với DN xuất khẩu, họ có thể trả lại cho NH sau khi đã được bảo hiểm. Theo đó, NH có thể hạn chế được nợ xấu và mở rộng được dịch vụ gia tăng thêm phí bên cạnh khoản vay mà vẫn giảm tối đa lãi suất cho vay. Chưa kể DN xuất khẩu mua bảo hiểm tín dụng thương mại không chỉ bảo hiểm thanh toán tiền hàng mà còn có cơ hội giảm chi phí đến từ tỷ giá, cân bằng thanh khoản, tăng doanh thu cho DN.
Theo các nhà tái bảo hiểm quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam thì bảo hiểm tín dụng thương mại về bản chất là bảo vệ cả NH và DN xuất khẩu. Nó rất quan trọng đối với những quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu, khi mà hiện nay thế giới đang lựa chọn phương thức thanh toán sau cho bên bán hàng hóa. Bởi từ trước đến nay các DN xuất khẩu Việt Nam chủ yếu chọn hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, trong khi loại hình này chỉ là một phần nhỏ trong hợp đồng bảo hiểm tín dụng thương mại.
Bà Võ Thị Phương Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Coface (một nhà tái bảo hiểm của Pháp) cho biết: Bảo hiểm tín dụng thương mại mang lại lợi ích cho các bên. NH hạn chế được rủi ro nguồn vốn, còn DN xuất khẩu thì được vay vốn và hưởng nhiều dịch vụ hơn. Lĩnh vực thanh toán có bảo hiểm trọn gói này chỉ trở thành cơ hội cho những nhà xuất khẩu nếu biết giành lấy cơ hội.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo ndh.vn)