(eFinance Online) – Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi 2014 đã quy định vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý đối tượng BHYT theo hình thức hộ gia đình, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Câu hỏi đặt ra: Đâu là mô hình quản lý hiệu quả giúp chính quyền xã thực hiện tốt chức năng này?
Nhằm cung cấp thông tin ban đầu về mở rộng triển khai thử nghiệm mô hình quản lý đối tượng tham gia BHYT và nâng cao năng lực quản lý cho cấp xã đáp ứng yêu cầu do Luật BHYT sửa đổi 2014 đặt ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam với sự hỗ trợ từ phía Liên minh Vận động Chính sách Y tế (EBHPD) và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) tổ chức hội thảo Nhân rộng mô hình chính quyền xã/ phường và hoạt động lập danh sách, quản lý đối tượng cấp thẻ BHYT vào ngày 16/6/2015 tại Thành phố Phủ Lý, Hà Nam.
Giải quyết tình trạng trùng – sai thẻ BHYT
Từ tháng 10/2014, các chuyên gia nghiên cứu hệ thống BHYT của trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Liên minh vận động chính sách y tế (EBHPD) đã phối hợp với Ban chính sách BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất 2 mô hình mới “quản lý đối tượng BHYT bằng thiết lập và vận hành sổ cái cấp thôn tích hợp BHYT với di biến động dân số và an sinh xã hội” và “sử dụng hệ thống biểu mẫu lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình”.
Hai mô hình đã đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 (10/2014 – 1/2015) ở quy mô cấp thôn tại xã Tân Dân (Sóc sơn, Hà Nội) và phường Lương Khánh Thiện (Phủ Lý, Hà Nam). Hội nghị đánh giá kết quả thử nghiệm mô hình tháng 1/2015 cho thấy chính quyền cấp thôn (thông qua vai trò trưởng thôn tạo lập và vận hành sổ cái theo dói đối tương BHYT theo hộ gia đình) có khả năng giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu thẻ, trùng thẻ, sai thông tin trên thẻ…
Bước sang giai đoạn 2 (năm 2015), nhóm nghiên cứu triển khai rộng mô hình trên quy mô toàn xã để làm sáng tỏ câu hỏi cơ bản: Làm thế nào để chính quyền xã làm tốt chức năng quản lý đối tượng BHYT theo hình thức BHYT hộ gia đình, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân? Trong 6 tháng đầu năm 2015 triển khai luật BHYT sửa đổi 2014 với hình thức BHYT hộ gia đình cho thấy có nhiều vấn đề mà hệ thống tổ chức quản lý đối tượng cấp thẻ BHYT hiện hành không đáp ứng được. Các thủ tục giấy tờ xác định đối tượng trong hộ cùng tình trạng có hay không thẻ BHYT, đã tạo ra gánh nặng rất lớn không chỉ cho người dân mà cả hệ thống quản lý cấp phát thẻ BHYT, khiến tỷ lệ bao phủ BHYT có nguy cơ không đạt mục tiêu trong năm đầu tiên triển khai Luật BHYT sửa đổi.
Ban thực hiên chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận ra vấn đề này và hoàn toàn ủng hộ sáng kiến nghiên cứu lấy chính quyền thôn làm gốc trong việc cung cấp thông tin xác định hiện trạng có thẻ BHYT của từng thành viên trong hộ gia đình trong thôn, làm cơ sở cho chính quyền cấp xã quản lý đối tượng BHYT trong toàn xã/phường. Việc tổ chức thiết kế sổ cái theo dõi thông tin theo nguyên lý tích hợp lồng ghép với các chức năng quản lý di biến động dân số, quản lý đối tượng an sinh xã hội; hướng dẫn trưởng thôn làm tốt công tác ghi chép cập nhật thông tin sổ cái; tổ chức hệ thống tổng hợp thông tin toàn xã và trích rút thông tin phục vụ các mục tiêu quản lý chuyên ngành BHYT với ứng dụng công nghệ thông tin, là những nội dung được hội thảo đưa ra phân tích. Đồng thời, đề xuất của RTCCD tổ chức lại hệ thống bán BHYT theo hướng đặt chính quyền cấp thôn là đầu mối xác định đối tượng đi kèm với bán BHYT theo hộ gia đình, cũng sẽ được hội thảo xem xét dưới góc độ nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 2.
Sắp tới đây RTCCD/EBHPD cùng BHXH Việt Nam, BHXH Hà Nội và Hà Nam sẽ đưa vào triển đánh giá hiệu quả và chuẩn hóa mô hình ở quy mô xã với đầy đủ các bước từ tạo lập và đào tạo hệ thống quản lý đối tượng BHYT theo phương thức vận hành sổ cái tích hợp thông tin BHYT, di biến động dân số, an sinh xã hội thiết lập từ cấp thôn, theo dõi cập nhật định kỳ thông tin đối tượng theo hộ gia đình, thực hiện báo cáo số liệu đầu ra đáp ứng yêu cầu quản lý của các ngành dọc, đảm bảo UBND xã chủ động trong việc thực thi nhiệm vụ được giao trong Luật BHYT sửa đổi.
Lấy chính quyền cơ sở làm gốc
Những vấn đề tồn tại trong BHYT như trủng thẻ, chậm thẻ, thiếu thẻ, sai thông tin trên thẻ… là do rất nhiều nguyên nhân dẫn đến, nhưng theo phân tích, các nguyên nhân đó có chung điểm xuất phát, là chúng ta đã tổ chức hệ thống hiện tại thiếu sự lồng ghép, hệ thống thiết kế thiếu khoa học, chưa tuân thủ triệt để nguyên lý “lấy chính quyền cơ sở làm gốc của mọi vấn đề quản lý đối tượng”, vì thế chưa phát huy được năng lực của chính quyền cấp xã và cấp thôn, trong xác định đối tượng cho BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban Chính sách BHYT, Bảo hiểm XHVN cho biết: Sự thành bại của Luật BHYT 2014 chính là BHYT toàn dân, phụ thuộc vào cách thức tạo lập danh sách và quản lý đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Chúng ta thực hiện BHYT chủ yếu theo từng cá nhân, đó chính là bất cập lớn nhất của an sinh xã hội hiện nay, mặc dù phù hợp với điều kiện kinh tế nhưng chúng ta phải chuyển mình để phát triển. Trong đó vai trò của chính quyền xã, phường, thôn rất quan trọng. Thông qua nhân rộng mô hình lần này, chúng ta hy vọng sẽ tìm ra mô hình thích hợp nhất cho việc triển khai BHYT theo hộ gia đình tại Việt Nam. Hai mô hình song song, 1 do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, 1 do cơ quan xã hội thực hiện nghiên cứu, tham gia tích cực với sự phát triển xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp thu rất nhiều những khuyến nghị của trung tâm RTCCD.
BS. Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc trung tâm RTCCD, cơ quan chịu trách nhiệm kỹ thuật của nghiên cứu cho biết: “Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi là tạo ra bằng chứng khoa học, thực tế để các nhà hoạch định chính sách nhìn ra: BHYT hô gia đình là một phương thức thúc đẩy người dân thuộc nhóm BHYT tự nguyện đến với BHYT. Tuy nhiên, triển khai thực tế đòi hỏi chúng ta phải dám nhìn lại một cách phê phán hệ thống tổ chức thực hiện BHYT hiện tại. Phân tích của chúng tôi cho thấy, phải xuất phát từ chính quyền thôn, đây là gốc cho vấn đề quản lý BHYT theo hộ gia đình. Là nơi gần dân, hiểu dân nhất, với các chức năng hiện có theo dõi di biến động dân số, an sinh xã hội, chính quyền cấp thôn, mà đại diện là trưởng thôn, hoàn toàn có thể thực hiện chức năng xác định đối tượng cho BHYT, xác quyết vấn đề BHYT theo hộ gia đình”.
Được hỏi về liệu giao thêm việc cho trưởng thôn có làm tăng thêm gánh nặng hiện tại và liệu các trưởng thôn có duy trì tốt trách nhiệm với công việc này sau khi nghiên cứu, TS. Trần Tuấn, người đưa ra sáng kiến nghiên cứu này cho biết: “Hiện tại, trưởng thôn đang thực hiện chức năng thu thập thông tin phục vụ nhiều mục tiêu quản lý khác nhau của chính quyền cấp xã và các ngành dọc. Vấn đề là ta xác định và giải quyết thế nào với các điều kiện cần và đủ cho trưởng thôn thực hiện chức năng mới này. Thứ nhất, chúng ta cần có một thiết kế tổ chức thu thập theo dõi thông tin theo nguyên tắc tích hợp và có sự tham gia của công nghệ thông tin trong quản lý, lấy sổ cái của thôn làm thông tin gốc, và xã là nơi tập hợp thông tin, truy cập và trích rút thông tin tạo các báo cáo đáp ứng yêu cầu quản lý của các ngành chức năng. Thứ hai, hệ thống thông tin xã phải được công nghệ hóa và thiết lập thành thường quy quản lý. Hai vấn đề này, nghiên cứu hiện tại chúng tôi giải quyết được. Sau đó, là câu hỏi nguồn tài chính đâu để giúp chính quyền thôn và xã làm tốt hệ thống mà nghiên cứu đã tạo ra? Chúng tôi cũng đã nghĩ đến và hướng giải quyết là nghiên cứu giao trưởng thôn trở thành đại lý bảo hiểm y tế hộ gia đình. Hiện đang tồn tại song song nhiều hình thức như đại lý BHYT xã, đại lý BHYT thông qua bưu điện… đã đến lúc xem lại việc tổ chức này quy về một mối. Ý tưởng của chúng tôi, là tìm ra cơ chế trưởng thôn làm tốt chức năng quản lý theo dõi đối tượng BHYT gắn liền với quyền lợi có được từ việc gia tăng tỷ lệ BHYT theo hình thức hộ gia đình, mà chính họ là người nằm trong hệ thống, được hưởng quyền lợi trực tiếp từ việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT”.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo taichinhdientu.vn)