Là biểu hiện cụ thể quan điểm nhân văn của Đảng và Nhà nước với công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân, sau hơn 20 năm triển khai, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần tạo nên nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực y tế. Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về chính sách này, gần đây Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Tuy nhiên sau năm tháng triển khai, đã phát sinh một số bất cập cần được chú ý xem xét, điều chỉnh.
Thủ tục phiền hà, rắc rối, gây mệt mỏi cho người dân – đó là nhận xét của rất nhiều người khi mua BHYT hình thức hộ gia đình, áp dụng theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi. Để được mua BHYT, người dân phải mang theo rất nhiều giấy tờ như: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình, kèm bản sao chụp các loại giấy tờ trên. Rắc rối phát sinh ở chỗ: nếu thành viên trong gia đình đang làm ăn xa, công tác nước ngoài,…
đại diện hộ gia đình phải có giấy tờ chứng minh sự vắng mặt, cũng như phải giải trình tình trạng mua BHYT hiện thời của các thành viên. Nhưng trường hợp gia đình có người nhà tạm thời đi làm nơi khác, chỗ ở không ổn định, thì biết chứng minh bằng cách nào? Hoặc nữa, trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng chưa tách khẩu, thì việc mua BHYT giải quyết ra sao? Đối với các khu nhà trọ, tình hình còn phức tạp hơn. Một chủ nhà trọ than phiền: “Khu tôi ở gồm chục phòng trọ, có sáu người đăng ký hộ khẩu tạm trú, trong số này có hai người mua bảo hiểm của nước ngoài nên không mua BHYT. Nay tôi muốn mua BHYT cũng không được vì không thể thuyết phục họ cùng tham gia”. Theo quy định mới, chỉ cần một người không mua thì thành viên khác trong gia đình dù muốn cũng không được mua BHYT. Vậy nên, để được mua BHYT cho cả gia đình, có người đã phải mua đến hai lần, vì vướng thủ tục, không giải trình được với cơ quan bảo hiểm! Như vậy, việc mua bảo hiểm hộ gia đình áp dụng theo Luật BHYT sửa đổi đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, gây tranh cãi. Như tại Điều 12 của Luật thì đối tượng tham gia BHYT gồm năm nhóm: 1.
Nhóm do người lao động, người sử dụng lao động đóng; 2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng…); 3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi…); 4.
Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên); 5. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình (gồm những người thuộc hộ gia đình). Trong năm nhóm nêu trên, nhóm 5 (nhóm hộ gia đình) là điểm mới của Luật BHYT sửa đổi. Việc mua BHYT theo nhóm hộ gia đình nhằm giúp người dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Nếu theo quy định trước đây, mọi người đều phải đóng BHYT cùng một mức bằng 4,5% mức lương cơ sở, thì theo Luật BHYT sửa đổi, mức đóng của hộ gia đình sẽ giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Nếu người thứ nhất của hộ gia đình đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ sở thì người thứ hai, thứ ba, thứ tư chỉ phải đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Luật cũng có những điều chỉnh theo chiều hướng bảo vệ quyền lợi cho người có thẻ BHYT bằng việc nâng các mức chi trả tiền khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, việc cấp BHYT hộ gia đình đã và đang phát sinh một số bất cập khiến nhiều người dân không muốn mua BHYT, dù vẫn có nhu cầu. Không ít điểm bán BHYT trở thành “điểm tiếp nhận khiếu nại”! Người làm thủ tục bán BHYT cũng lúng túng vì văn bản hướng dẫn áp dụng Luật BHYT sửa đổi thiếu cụ thể.
Qua tiếp xúc, có cán bộ phường phải thốt lên: “Mấy ngày nay tôi đang điên đầu với các quy định, thủ tục giấy tờ rối rắm, vô lý này”. Về phía người dân, nhiều người phải bỏ về trong sự ấm ức, vì hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mua BHYT gia đình. Kết quả là, theo thông tin từ Bộ Y tế, sau ba tháng triển khai quy định mới về mua BHYT, số người mua bảo hiểm trong năm 2015 lại giảm 1,2 triệu người so với năm 2014. Con số này buộc chúng ta phải suy nghĩ, bởi lẽ kể từ khi chính sách BHYT được thực thi, đây là lần đầu xảy ra hiện tượng số người mua bảo hiểm sụt giảm trên diện rộng! Vấn đề trở nên cần thiết hơn nếu tham khảo thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Từ năm 1992 chính sách BHYT chính thức được triển khai; năm 1993 có 3,79 triệu người tham gia BHYT; năm 2005, số người tham gia lên tới 23,7 triệu người, chiếm 28% dân số; năm 2008, số người tham gia BHYT là hơn 39,3 triệu, chiếm 46% dân số, tăng hơn 10 lần so với năm 1993; năm 2014, cả nước có 64 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 70% dân số và dự tính con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2015, khi Luật BHYT sửa đổi được áp dụng. Tuy nhiên kết quả thu được lại hoàn toàn trái ngược. Sau khi gặp nhiều khó khăn trong triển khai, loại hình BHYT hộ gia đình tạm lùi thời gian thực hiện đến 1-1-2016. Theo ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế thì: Thời gian tới sẽ có văn bản hướng dẫn để thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình đơn giản hóa, người dân không cần phải sao chụp thẻ BHYT, giấy tạm trú tạm vắng,… của các thành viên khác trong gia đình.
Khi thay đổi những quy định này, hy vọng số người đăng ký BHYT sẽ gia tăng trong thời gian tới. Bởi lẽ, tham gia BHYT không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân khi ốm đau, gặp tai nạn, mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội. Việc đóng BHYT là cách thức cộng đồng cùng chung tay, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ nhau khi có người gặp hoạn nạn. Nếu tham gia BHYT và khám, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật, người có thẻ BHYT có thể sẽ được hưởng mức hỗ trợ tới 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, kinh phí từ BHYT là phần quan trọng giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Nếu số người tham gia BHYT giảm sút sẽ khiến nguồn kinh phí bổ sung cho quỹ BHYT bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số người chỉ mua BHYT khi bị ốm đau bệnh tật và đây cũng là một nguyên nhân làm cán cân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT bị mất cân đối, đẩy tới tình trạng bội chi. Thí dụ ở tỉnh Quảng Nam, tình trạng vượt quỹ định suất, vượt trần tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT diễn ra thường xuyên.
Năm 2011, số quỹ vượt trần tại địa phương này lên đến hơn 13,4 tỷ đồng; năm 2012 vượt hơn 24,7 tỷ đồng; năm 2013 vượt hơn 160 tỷ đồng; quý I-2014 mất cân đối quỹ BHYT hơn 26 tỷ đồng. Ở Đác Lắc, năm 2014 chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 163,6 tỷ đồng, trong khi số tiền đóng BHYT chỉ có 55,6 tỷ đồng, như vậy mức bội chi của quỹ BHYT của tỉnh này là 108 tỷ đồng. Năm 2013, số địa phương bị bội chi quỹ này lên đến 19 tỉnh; còn theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chín tháng đầu năm 2014 cả nước có 14 tỉnh bị bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Nếu để tình trạng trên đây kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ BHYT, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là người dân. Bởi, không còn quỹ BHYT thì khi ốm đau, người dân sẽ không có cơ hội được giảm trừ chi phí khám, chữa bệnh, cũng như cơ hội được khám, chữa bệnh bằng các phương tiện công nghệ cao sẽ khó khăn hơn. Và như vậy, công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo khi đau ốm sẽ khó có thể thực hiện. Nhưng đó vẫn là một khả năng nếu biết năm 2014 gần 30% dân số trên cả nước chưa tham gia BHYT; 16 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%; thậm chí tại một số địa phương vẫn chưa có bộ phận làm BHYT… Để có những thay đổi theo hướng tích cực, bên cạnh việc các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, giúp người dân dễ dàng mua BHYT, còn cần tới cả sự thay đổi nhận thức của chính người dân. Theo hướng này, đã có nhiều ý kiến đề xuất triển khai BHYT tại các tuyến cơ sở, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tham gia, như: hệ thống bưu điện, mở đại lý tại các xã, phường, thị trấn, trong hệ thống các doanh nghiệp, đặc biệt là tại khối doanh nghiệp tư nhân… Càng có nhiều đầu mối tuyên truyền, phát triển BHYT, càng thu hút mọi người tham gia.
Báo cáo từ Bộ Y tế cho biết: Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia thanh toán gần hết viện phí cho bệnh nhân mắc ung thư; đồng thời các gia đình có công với cách mạng, người nghèo, người cận nghèo cũng được BHYT chi trả phần lớn. Đây là một biểu hiện cho tính ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước trong chính sách xã hội nói chung, trong BHYT nói riêng. Năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020 có hơn 80% dân số tham gia BHYT. Để triển khai Nghị quyết, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT. Điểm cần chú ý của Chỉ thị 05 là chỉ tiêu bao phủ BHXH và BHYT được coi là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chỉ thị cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu tới hết năm 2015, số người tham gia BHYT sẽ đạt 75% dân số; đến năm 2020 hơn 80% dân số tham gia BHYT. Hy vọng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị và Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ Y tế và ngành bảo hiểm xã hội, sẽ tạo ra “cú hích” giúp các địa phương tích cực hơn nữa trong việc triển khai chính sách BHYT, góp phần nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội; đồng thời cũng giúp mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ, tích cực tham gia BHYT, vì đó là công việc thiết thực không chỉ trong khám, chữa bệnh, mà còn cả trong việc chăm sóc giữ gìn sức khỏe, góp phần vào sự phát triển của mỗi người và xã hội
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo nhandan.org.vn)