“Sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội là hoàn toàn phù hợp”

(HQ Online)- Nói về việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi là hoàn toàn phù hợp để cho người lao động có quyền chọn lựa.

ĐB Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội báo cáo sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội vào sáng 21-5, ĐB Đặng Ngọc Tùng cho biết:

Khi xây dựng Luật BHXH năm 2014, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này vì để cho người lao động có quyền lựa chọn. Nhưng đa số ý kiến không đồng ý nên thông qua dự án Luật.

Theo đánh giá về lâu dài, Điều 60 được quy định như tại Luật năm 2014 là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi. Nhưng có những người lao động vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp.

Ông đánh giá như thế nào về báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình ra Quốc hội?

Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội đều đồng tình cho sửa Điều 60. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đề nghị sửa, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị sửa thì chắc các vị đại biểu Quốc hội sẽ đồng tình.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tuyên truyền cho người lao động hiểu được nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí thì có lợi hơn, nhưng mình cũng thông cảm hơn cho người lao động mà họ không thể tiếp tục đóng được, họ cần một khoản tiền để mưu sinh khác, về quê làm ruộng, mở một cửa hàng hay kinh doanh thì chúng ta cũng phải đáp ứng được nguyện vọng đấy của họ. Nên để cho người lao động họ có quyền lựa chọn.

Vậy ông sẽ tuyên truyền cho người lao động như thế nào về lợi ích của việc theo đuổi bảo hiểm xã hội lâu dài?

Phải hiểu thế này, tại sao những người lao động lại nhận bảo hiểm xã hội một lần, trong khi số tiền hàng tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng một năm tính ra là phải 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương. Như vậy là họ thiệt thòi mất 0,6 tháng, 10 năm là họ thiệt thòi mất 6 tháng lương. Cho nên người lao động nhận một lần rất là thiệt thòi. Chúng ta phải giải thích điều này cho người lao động thấy được điều đó.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 1-1-2016, Luật BHXH năm 2014 mới có hiệu lực thi hành, trong đó Điều 60 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.

Theo báo cáo của Chính phủ, gần đây (tháng 3-2015) một bộ phận người lao động chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên được lý giải là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.