Sự phát triển lên những tầm cao hơn là nằm trong tầm tay của ngành bảo hiểm, quan trọng là cách thức, bước đi và giải pháp phù hợp.
Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính
Trước những khó khăn của nền kinh tế, các DN ngành bảo hiểm đã không ngừng nỗ lực, vượt khó, tiếp tục đạt được tốc độ phát triển cũng như những kết quả nhất định. Cụ thể, trong năm 2012, nhiều DN vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu; nâng cao năng lực tài chính; tập trung khai thác chiều rộng cũng như chiều sâu; cải cách, cơ cấu về HĐQT, cổ đông cũng như trong công tác quản trị DN…
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận còn không ít khó khăn trong hoạt động của thị trường bảo hiểm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2012 giảm so với các năm trước đây, đạt 41.017 tỷ đồng, chỉ tăng 12,1% so với năm 2011 trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2011 đạt 19,7%/năm.
Về hiệu quả kinh doanh, dẫu doanh thu phí bảo hiểm tăng nhưng lợi nhuận (trước thuế) giảm sút so với năm 2011. Sự sụt giảm ở đây có phần nguyên nhân khách quan xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế. Đơn cử như lĩnh vực đầu tư tài chính trong năm 2012, do lãi suất giảm nên dù số tiền đầu tư tăng 5,9%, nhưng doanh thu từ hoạt động đầu tư lại giảm tới 10,7% so với năm 2011. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét kỹ lưỡng những nguyên nhân chủ quan của sự suy giảm lợi nhuận để từ đó có giải pháp điều chỉnh cho năm 2013 và các năm tiếp theo.
Thí điểm 2 chương trình lớn
Trong hoạt động của ngành bảo hiểm, năm 2012 là năm bản lề triển khai hai chương trình bảo hiểm mang tính chính sách cao, đó là thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 và Quyết định số 2011/QĐ-TTg ngày 05/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Về chương trình thí điểm BHNN: Trong năm 2012, thực hiện chương trình thí điểm BHNN của Nhà nước với sự tham gia chỉ định của 2 DN bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh, đến thời điểm 30/3/2013, đã có 20 tỉnh, thành triển khai BHNN, với gần 200.000 hộ dân tham gia, số tiền bảo hiểm cam kết trên 4.400 tỷ đồng, đạt doanh thu phí trên 250 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá cao nỗ lực của Bảo Việt, Bảo Minh và nhóm công tác, Ban chỉ đạo triển khai BHNN. Ngoài kết quả nhất định được ghi nhận qua hơn 1 năm thực hiện thí điểm, thị trường cũng đã rút ra một số bài học nhất định. Đúng là cơ chế, chính sách cho nghiệp vụ bảo hiểm này cực khó, vì đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam, nên phải vừa làm vừa học, vừa chỉnh sửa. Nhưng nếu chúng ta làm tốt, kết thúc thí điểm có thể phát triển sản phẩm để triển khai trên diện rộng.
Với chương trình BHTDXK: Trong 2 năm 2011 – 2012, các DN bảo hiểm đã cấp được 34 hợp đồng bảo hiểm với giá trị kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 6.033 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm là 19,3 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, các DN bảo hiểm đã bồi thường 9,6 tỷ đồng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2013, các DN bảo hiểm (Bảo Minh, AIG) cấp được 2 hợp đồng BHTDXK, nhưng mặt hàng xuất khẩu không thuộc danh mục nhóm mặt hàng được khuyến khích tại Quyết định 2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên, có thể thấy, trong quá trình thực hiện thí điểm BHTDXK, giá trị kim ngạch xuất khẩu tham gia bảo hiểm còn thấp so với mục tiêu tại Quyết định 2011/QĐ-TTg và so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (năm 2011 đạt 0,19%, năm 2012 đạt 0,25%). Nhiều ngành hàng chưa tham gia BHTDXK do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về mặt khách quan, đây là một sản phẩm bảo hiểm mới, mang tính chất tự nguyện, không dễ phát triển, kể cả với các nước trên thế giới và khu vực; là một sản phẩm bổ sung, không phải sản phẩm thay thế các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán truyền thống khác như L/C, nhờ thu, bao thanh toán…, trong khi đó, các ngành hàng rất quen thuộc với các giải pháp này, e ngại sử dụng công cụ mới; do tính chất ngành hàng đặc biệt là gia công (dệt may, giày dép…) sản xuất và xuất khẩu theo đơn hàng, không có rủi ro trong thanh toán, nên các ngành hàng này không có nhu cầu bảo hiểm; tham gia BHTDXK làm tăng thêm chi phí cho các DN (mặc dù được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm). Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do một số DN bảo hiểm chưa thực sự chủ động triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này; chưa có nhiều kinh nghiệm đối với BHTDXK, việc bố trí lực lượng cán bộ mỏng, trình độ cán bộ còn hạn chế…
Hoạt động quản lý, giám sát
Về xây dựng, hoàn thiện khuổn khổ pháp lý: Trong năm qua, khung pháp lý về kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, nhiều văn bản pháp quy được ban hành đồng bộ. Về cơ bản, các văn bản về bảo hiểm và hướng dẫn luật/nghị định đã hoàn thành. Trong năm qua, cơ quan quản lý đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm, thậm chí có nhiều quyết định xử phạt với các DN và cá nhân liên quan. Ở góc độ quản lý nhà nước, dù ghi nhận nỗ lực của cơ quan quản lý, nhưng cũng phải thừa nhận vẫn còn một số văn bản ban hành còn muộn như Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá an toàn tài chính của DN bảo hiểm…
Về công tác thanh tra, kiểm tra: Trong năm 2012, cơ quan quản lý nhà nước (Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính) đã tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tại chỗ (tổng thể và theo chuyên đề), giám sát từ xa hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vẫn còn những thiếu sót trong hoạt động của các DN bảo hiểm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như trong việc tuân thủ các quy định có trong hợp đồng bảo hiểm đã cam kết với khách hàng. Bộ Tài chính đã kịp thời chấn chỉnh, đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý các vấn đề sau thanh tra, góp phần để thị trường phát triển an toàn, hiệu quả hơn.
Về tái cấu trúc DN bảo hiểm: Ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm”. Theo Quyết định 1826/QĐ-TTg, DN bảo hiểm được phân loại theo 4 nhóm, cụ thể: Nhóm 1 gồm các DN bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, DN bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc có lãi từ 2 năm liên tục trở lên; Nhóm 2 gồm các DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục; Nhóm 3 gồm các DN bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán; Nhóm 4 gồm các DN bảo hiểm mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Căn cứ vào các tiêu chí này, trên cơ sở báo cáo tài chính của DN bảo hiểm năm 2012, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá, phân loại DN bảo hiểm. Kết quả như sau: 100% các DN bảo hiểm nhân thọ thuộc nhóm 1. Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có 9 DN thuộc nhóm 1, 19 DN thuộc nhóm 2 và 1 DN thuộc nhóm 3, không có DN nào thuộc nhóm 4. Đối với DN thuộc nhóm 3, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, thực hiện các giải pháp cần thiết để tái cấu trúc DN. Đối với các DN bảo hiểm còn lại, công tác quản lý, giám sát vẫn được tiếp tục tăng cường.
Trong hoạt động quản lý, giám sát các DN, Bộ Tài chính kỳ vọng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cần phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan đầu mối tham gia nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản chính sách; là cơ quan giám sát các hoạt động của các DN thành viên trong việc thực thi các văn bản, chính sách.
Mục tiêu và giải pháp 6 tháng cuối năm 2013
Năm 2013, ngành bảo hiểm cần phấn đấu tăng trưởng cao trên tinh thần phải tăng trưởng bền vững. Bộ Tài chính kỳ vọng năm nay sẽ có những chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ đối với hoạt động của DN bảo hiểm, dù hoạt động ở loại hình nào, phi nhân thọ, nhân thọ, tái bảo hiểm hay môi giới bảo hiểm. Năm nay cũng sẽ tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu DN bảo hiểm, theo đó sẽ tiến hành quản lý, giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các DN bảo hiểm và trên cơ sở quy định hiện hành, sẽ tiến hành phân loại các DN bảo hiểm theo các nhóm và áp dụng các giải pháp phù hợp.
Về sản phẩm mới: Nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm bảo lãnh tín dụng, tiếp tục mở rộng các loại hình bảo hiểm về sức khoẻ, các sản phẩm mới khi triển khai đến đâu cần mang lại hiệu quả đến đó. Các DN được chỉ định thực hiện BHNN và BHTDXK cần tiếp tục phát huy vai trò của mình. Trong năm 2013, sẽ tổng kết đánh giá lại hai chương trình này và xem xét khả năng có thể triển khai trên diện rộng trong thời gian tới.
Về công tác quản lý và giám sát: Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò của mình, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các DN về tuân thủ pháp luật, tuân thủ hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Tới đây, khung hình phạt sẽ nặng hơn, rõ ràng hơn; khắc phục/ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi bảo hiểm. Trong năm tới, cơ quan quản lý cũng sẽ cải thiện công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại lý để tăng cường chất lượng dịch vụ bảo hiểm trong mỗi công ty và trên toàn hệ thống.
Có thể thấy, thị trường bảo hiểm đến nay đã có những bước tiến khá dài. Mặc dù vậy, vẫn có thể kỳ vọng sự phát triển cao hơn, tốt hơn nữa vì sự phát triển này là nằm trong tầm tay của ngành bảo hiểm, quan trọng là cách thức, bước đi và giải pháp phù hợp để ngành bảo hiểm tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế chung.
TXH
Bảo Hiểm Bảo Việt