Thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình: Máy móc, cứng nhắc, gây khó cho dân

ANTĐ – Theo các chuyên gia, chính những vướng mắc trong thực hiện chính sách mới về bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình  đang cản trở nhiều người dân đến với BHYT, khiến số người tham gia BHYT sụt giảm. Chính sách nào cũng có thời gian “quá độ” nhưng vấn đề là phải giải quyết theo hướng tạo thuận lợi nhất cho dân.

Người dân muốn tham gia BHYT, nhưng thủ tục quá phiền hà

Muốn mua cũng khó

Ông Phạm Minh (63 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) phản ánh, thẻ BHYT của ông hết hạn từ tháng 3 vừa qua, như mọi khi ông ra xã làm thủ tục mua thẻ BHYT tự nguyện nhưng theo hướng dẫn thì lần này ông phải làm rất nhiều thủ tục. Đó là phải photo sổ hộ khẩu và thẻ BHYT của tất cả thành viên trong gia đình có tên trên sổ hộ khẩu để nộp kèm với hồ sơ mua thẻ BHYT của mình. Oái oăm ở chỗ, ông sống với vợ con (người vợ thứ hai) tại địa phương từ mấy chục năm nay nhưng tên ông thì vẫn đứng trong sổ hộ khẩu với gia đình người vợ cũ hiện đang sống ở một địa phương khác. Trong gia đình người vợ cũ mới duy nhất 1 người có thẻ BHYT (tham gia đóng BHYT tại nơi làm việc)… Lý do phức tạp như vậy nên gần tháng trời ông vẫn chưa mua được BHYT. 

Ông Nguyễn Văn Ca (78 tuổi, ở Kim Ngưu, Hà Nội) kể, ông đã mua thẻ BHYT tự nguyện mấy năm liền nhưng đầu năm nay đến phường làm thủ tục mua tiếp thì không được. Lý do vì ông có một cậu con trai đang đi du học ở nước ngoài nên bên cạnh việc phải photo hết thẻ BHYT của những người trong sổ hộ khẩu thì ông còn phải chờ đến khi xin được giấy tờ chứng minh con trai đang đi du học. Thủ tục phiền hà như vậy khiến ông ngán ngẩm, thời gian tham gia BHYT bị gián đoạn dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng…  

Đem những câu chuyện này phản ánh lại với cơ quan BHXH TP Hà Nội, chúng tôi được ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội chia sẻ, đúng là trong thời gian đầu thực hiện chính sách mới về BHYT hộ gia đình (từ đầu năm 2015 đến nay) nảy sinh khá nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc liên quan đến thủ tục, xác minh đối tượng tham gia. “Tôi đi giám sát cũng chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự, có người lấy chồng hơn chục năm nay nhưng tên vẫn đứng trong sổ hộ khẩu với bố mẹ đẻ, trong khi chồng con thì đã tách khẩu riêng, vậy giải quyết thế nào? Chính sách nào mới ra cũng có giai đoạn chuyển tiếp, chúng tôi đang cố gắng tháo gỡ và chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giải quyết theo hướng tạo thuận lợi nhất cho dân” – ông Nguyễn Đức Hòa nói.

Chỉ cần phường xác nhận hồ sơ

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, ngay sau khi BHXH Việt Nam có Công văn số 777 hướng dẫn BHXH các địa phương tháo gỡ một số vướng mắc trong giải quyết thủ tục mua BHYT hộ gia đình, BHXH Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể xuống BHXH tuyến quận, huyện và tổ chức tập huấn cho các đại lý thu BHYT hộ gia đình. Quan điểm là phải cố gắng giải quyết tối đa cho tất cả các trường hợp có nhu cầu mua thẻ BHYT tự nguyện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

“Với những trường hợp đã tham gia BHYT tự nguyện từ trước, đến tháng 5, tháng 6 này trở đi thẻ mới hết hạn, không kịp tham gia BHYT hộ gia đình nữa thì chúng tôi đã hướng dẫn giải quyết theo hướng gia hạn  hiệu lực của thẻ BHYT cho đến 1-1-2016, thời điểm chính thức bắt buộc thực hiện BHYT hộ gia đình. Đối với những trường hợp các cá nhân có tên trong sổ hộ khẩu gia đình nhưng vì lý do có người đi làm, công tác hoặc học tập xa nên khó photo được thẻ BHYT hoặc các trường hợp thiếu một số giấy tờ khác, chúng tôi đã có hướng dẫn chỉ cần người dân kê khai, chính quyền xã, phường ở địa phương đó xác nhận đủ điều kiện thì vẫn cho họ mua thẻ BHYT tự nguyện. Vai trò của các địa phương ở đây là rất quan trọng…”, ông Nguyễn Đức Hòa phân tích.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Báo do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế thừa nhận, quy định mua BHYT theo hộ gia đình trong thời gian qua thực hiện khá máy móc, thủ tục cứng nhắc, gây khó cho người dân và là một trong 2 nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm 1,2 triệu người tham gia BHYT trong 4 tháng đầu năm 2015. Do vậy, tới đây Bộ Y tế, BHXH Việt Nam sẽ ban hành văn bản để hướng dẫn chi tiết thực hiện BHYT hộ gia đình theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong kê khai danh sách theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHYT đối với những thành viên trong gia đình, để việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là hoàn toàn tự nguyện.

Đảm bảo quyền lợi BHYT khi khám bệnh ở địa phương khác

Trên cả nước hiện nay có rất nhiều người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình nhưng đang đi làm, công tác, học tập xa ở địa phương khác. Chẳng hạn có người quê Nam Định, mua thẻ BHYT hộ gia đình tại Nam Định nhưng đi làm ăn xa ở Hà Nội hoặc tại TP.HCM. Vậy nếu không may họ bị bệnh, vào điều trị tại bệnh viện ở tại địa phương nơi họ đang công tác thì làm thế nào để quyền lợi BHYT của họ được đảm bảo? Không lẽ mỗi lần ốm đau họ lại phải về địa phương xin giấy chuyển tuyến để được hưởng BHYT đúng tuyến? Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Khảm cho biết, người dân tham gia BHYT gia đình ở địa phương, khi đi làm việc hoặc học tập tại địa phương khác cần trình báo để có giấy tạm trú. Khi đó, nếu không may ốm đau vào viện ở địa phương này thì người dân xuất trình thẻ BHYT hộ gia đình và giấy, sổ tạm trú và sẽ được hưởng BHYT đúng tuyến tương đương theo tuyến đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ BHYT của họ.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo anninhthudo.vn)
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.