(DĐDN) – Một trong những điểm được coi là đột phá của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ 1/1/2015) để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là quy định tham gia bảo hiểm y tế theo “hộ gia đình”. Tuy nhiên, đây cũng là quy định gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện bởi sự lúng túng tại một số xã, phường, cũng như sự thiếu thống nhất giữa một số quy định, văn bản pháp luật liên quan.
Sau 5 tháng triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã phát sinh nhiều vướng mắc do quy định pháp luật, cũng như từ cán bộ giải quyết thủ tục mua bảo hiểm y tế ở cấp cơ sở.
Địa phương thiếu linh hoạt
Đối với quy định của luật, việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình dù đã giúp giảm mức đóng khá nhiều so với việc mỗi thành viên tự mua, nhưng vẫn là thách thức với những hộ thu nhập thấp. Bởi với thu nhập của một hộ thuần nông tại các tỉnh còn khó khăn, ngay cả bố trí kinh phí để mua bảo hiểm y tế cho một thành viên đã không dễ. Vì thế, khi số kinh phí tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 3 – 4 lần so với trước đây, thì họ càng có ít cơ hội hơn.
Bên cạnh đó, với quy định mới, khi đăng ký mua bảo hiểm y tế tự nguyện, cá nhân đăng ký phải khai đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ gia đình về số thẻ và loại hình tham gia (ví dụ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, hưu trí…). Yêu cầu như vậy khiến thủ tục tham gia càng trở nên rắc rối. Thực tế, trong một hộ gia đình có người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, song vì một số lý do đang phải chờ để tiếp tục được gia hạn, thì thẻ bảo hiểm của những đối tượng này sẽ không được chấp nhận để loại ra khỏi danh sách những người phải mua theo hộ gia đình. Những đối tượng này chắc chắn sẽ không muốn tham gia theo hình thức mới, vì thủ tục để chuyển đổi không đơn giản. Ngay cả khi cán bộ lưu động đồng ý chỉ cần xác nhận của nơi làm, nhưng nếu DN không đồng ý xác nhận, thì thành viên gia đình cũng không thể tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, người dân cũng gặp khó khăn trong việc việc xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống…
Từ 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT hộ gia đình. |
Theo ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam), trước khi triển khai thực hiện Luật, hầu hết cơ quan BHXH các địa phương đã triển khai tập huấn cho các đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nơi vẫn còn áp dụng thiếu linh hoạt quy định danh sách đăng ký tham gia theo hộ gia đình như yêu cầu chứng thực về thông tin về thân nhân, mã thẻ bảo hiểm y tế của các thành viên trong hộ gia đình đã tham gia theo hình thức khác…
Tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc sau hơn 2 tháng triển khai, ngày 12/3/2015 BHXH Việt Nam đã có Công văn số 777/BHXH-BT hướng dẫn về việc thu bảo hiểm y tế hộ gia đình. Theo đó, đối với hộ gia đình tham gia BHYT đã có người tham gia bảo hiểm y tế tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1/1/2015 tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế, khi tham gia bảo hiểm y tế thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Còn từ 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đối với người được ngân sách địa phương hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế như: Đảng viên trên 30 năm tuổi đảng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi… không thuộc đối tượng quy định tham gia theo hộ gia đình thì thực hiện tham gia bảo hiểm y tế theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2015. Ngoài ra, đối với những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, từ 1/1/2016 trở đi mới phải thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. “Trách nhiệm của cơ quan BHXH và UBND cấp xã là phải hoàn thành thủ tục tham gia, cấp thẻ kịp thời cho người tham gia bảo hiểm y tế, sau đó thực hiện hậu kiểm. Khi hậu kiểm mà phát hiện những sai sót thông tin quy định, chúng ta hoàn toàn có chế tài để xử lý kể cả việc thu hồi thẻ bảo hiểm y tế”- ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) khẳng định. Với sự tháo gỡ kịp thời này, trong tháng 3/2015, số người tham gia bảo hiểm y tế đã đạt con số trên 63,755 triệu người, trong đó, riêng số người chỉ tham gia bảo hiểm y tế là trên 52,057 triệu người (tăng 374.938 người so với tháng 2/2015).
Từ ngày 25/5: Lao động giúp việc sẽ được đóng BHXH, BHYT Chính phủ vừa ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động giúp việc gia đình. Theo đó, người lao động giúp việc sẽ có cơ sơ pháp lý để được bảo vệ nhiều hơn về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với tình hình thực tế hiện nay. Nội dung nghị định 27/2014/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/5 tới có những điểm quan trọng đáng chú ý như người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động khi thuê người giúp việc với mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và mỗi tuần phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong đó, trong hợp đồng lao động ký kết giữa chủ nhà và người giúp việc, nội dung phải ghi rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc, tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng hạn, thời gian và mức chi phí hỗ trợ người giúp việc gia đình học văn hóa, học nghề (nếu có), trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động, các hành vi nghiêm cấm… Tiền lươngbao gồm cả chi phí ăn ở của người giúp việc gia đình (nếu có) do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Chi phí ăn, ở hàng tháng của người giúp việc gia đình không được vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo dddn.com.vn)