Tờ trình bổ sung khoản vay ngắn hạn tiền mặt tương đương 25 triệu USD xin ý kiến ĐHCĐ CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã làm nóng thêm câu chuyện liên quan đến Vinalines Queens.
Khoản vay nêu trên nhằm giúp ABIC hoàn tất nghĩa vụ bồi thường tàu Vinalines Queens gặp rủi ro biển cả, bị tổn thất toàn bộ tại vùng biển Luzo – Philippines ngày 25/12/2011.
Hiện tại, cơ cấu danh mục đầu tư của ABIC như sau: đầu tư tiền gửi có kỳ hạn tại hệ thống Agribank 542 tỷ đồng, trong đó, tháng 7/2013 đáo hạn 63 tỷ đồng; để tài khoản thanh toán tại Agribank 36 tỷ đồng; đầu tư tiền gửi tại ALC I và II 10 tỷ đồng; đầu tư cổ phiếu ALC I 18 tỷ đồng; đầu tư cổ phiếu tại Agriseco 14,7 tỷ đồng; ký quỹ 6 tỷ đồng.
Với cơ cấu danh mục đầu tư như trên, theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ABIC, hướng lựa chọn để bồi thường tàu Vinalines Queens là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Agribank. Nhưng thời điểm đáo hạn hợp đồng tiền gửi tại các chi nhánh Agribank là khác nhau, nên nếu rút tiền ngay trong tháng 7/2013 để thanh toán thì Công ty phải phá vỡ hợp đồng tiền gửi đã ký, thiệt hại ước tính 13 tỷ đồng do khi đó chỉ được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Chính vì vậy, Công ty đề ra phương án hai là giữ nguyên các hợp đồng tiền gửi tại Agribank, thế chấp vay ngắn hạn 330 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn kinh doanh để bồi thường 4 lần cho chủ tàu. Phương án ba là giữ nguyên các hợp đồng tiền gửi tại Agribank, thế chấp vay ngắn hạn 470 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn kinh doanh để bồi thường một lần cho chủ tàu.
Tuy nhiên, mỗi phương án kể trên đều có tổn thất riêng, vì vậy, để không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh năm 2013 và các năm kế tiếp, HĐQT ABIC đã trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT lựa chọn 1 trong 2 phương án ưu tiên sau nhằm hạn chế tối đa tổn thất cho Công ty.
Ưu tiên 1 là thế chấp các hợp đồng tiền gửi tại Agribank, vay ngắn hạn tại ngân hàng này với hạn mức tín dụng 470 tỷ đồng để thanh toán một lần cho khách hàng được bảo hiểm, với điều kiện lãi suất vay không quá lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và thời hạn vay không quá 6 tháng. Trong trường hợp lãi suất vay vượt quá lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước thì ưu tiên 2 là thế chấp các hợp đồng tiền gửi tại Agribank, vay ngắn hạn với hạn mức tín dụng 330 tỷ đồng để thanh toán 5 lần cho khách hàng được bảo hiểm và phải thanh toán lãi chậm trả.
ĐHCĐ ABIC đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT lựa chọn một trong hai phương án, trong đó một số cổ đông bày tỏ sự đồng tình với phương án ưu tiên 2.
Liên quan đến Chi nhánh Bảo hiểm ABIC Hà Nội, đơn vị ký hợp đồng bảo hiểm cho tàu Vinalines Queens, có cổ đông đề xuất xem xét trách nhiệm của đơn vị này; thẩm tra kỹ xem DN phải bồi thường từ khi có đầy đủ hồ sơ hay từ khi có quyết định bồi thường; có cần thiết phải bồi thường đủ 100% hay không, vì tàu vẫn chưa tìm thấy, trong khi thực tế có rất ít DN bảo hiểm bồi thường đủ 100% cho khách hàng. Trả lời cổ đông, ông Minh cho biết, Công ty đã xem xét các yếu tố kể trên.
Tại đại hội, cổ đông cũng đề xuất ABIC nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, vì hiện mới chỉ tập trung vào tiền gửi. Đại diện ABIC cho biết, năm 2013, doanh thu tài chính của Công ty sẽ giảm mạnh, do tập trung tiền để thanh toán bồi thường vụ Vinalines Queen. Về lâu dài, Công ty sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các kênh như trái phiếu chính phủ để mang lại hiệu quả cao hơn.
“Vụ bồi thường này (tàu Vinalines Queen) không chỉ dừng ở nỗi lo của HĐQT, Ban điều hành ABIC, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Thực tế, chúng tôi đã hai lần báo cáo Bộ Tài chính liên quan đến trách nhiệm, giá trị bồi thường, phải xác định rõ thời điểm nào phát sinh lãi. Hiện nhà tái bảo hiểm đứng đầu vụ này là Vinare cũng đang giải quyết với các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, sẽ cố gắng giải quyết tốt nhất có thể”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ABIC nói.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, ABIC tham gia bảo hiểm 0,56% giá trị con tàu, phần còn lại có sự tham gia của các nhà đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm khác như Bảo Việt, MIC, Vinare… |