DNBH là đơn vị có liên quan nhiều đến công chúng nên BCTC phải phù hợp với Chuẩn mực quốc tế để góp phần tạo dựng thông tin minh bạch cho thị trường.
Kinh doanh bảo hiểm (BH) giúp các tổ chức, cá nhân tham gia BH khắc phục hậu quả tài chính khi gặp tai nạn, tổn thất và các rủi ro. Tính đa dạng của đối tượng khách hàng và nhu cầu về sự an toàn không ngừng tăng lên đối với các sản phẩm BH nên ở tất cả các nước, Nhà nước phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có hệ thống khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia BH và DNBH, đồng thời để điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh BH phát triển.
Trong lĩnh vực kế toán, ngay cả khi chưa có chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế về BH thì các nước có thị trường BH phát triển như Mỹ, Anh, Úc… đã ban hành các CMKT áp dụng riêng cho DNBH. Cho đến tháng 3/2004, Ủy ban Chuẩn mực quốc tế (IASB) đã ban hành Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế số 4 (IFRS 4) – “Hợp đồng BH”. IFRS 4 là chuẩn mực trung gian, tạm thời, vì còn nhiều vấn đề chưa đề cập và phải tiếp tục nghiên cứu. Do thông lệ kế toán cho các hợp đồng BH rất đa dạng và khác biệt với thông lệ kế toán của các lĩnh vực khác, nên IFRS 4 được ban hành để cải thiện ở mức độ có giới hạn thông lệ kế toán hiện hành đối với hợp đồng BH. Nội dung chủ yếu của IFRS 4 là quy định các thông tin, số liệu mà DNBH phải trình bày trên BCTC về các hợp đồng BH cho tới khi IASB ban hành tiếp trong giai đoạn 2. Trên cơ sở IFRS 4- “Hợp đồng BH”, năm 2005, Bộ Tài chính đã ban hành CMKT số 19 – Hợp đồng bảo hiểm và tháng 12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 232 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với DNBH phi nhân thọ, DN tái BH và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Trước xu thế hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm, để phù hợp với Chuẩn mực BCTC quốc tế và để người sử dụng BCTC có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của DNBH, chế độ BCTC áp dụng cho các DNBH ban hành theo Thông tư số 232 đã có nhiều bổ sung, sửa đổi so với quy định trước đó, đặc biệt là các nội dung sau:
Quy định trình bày tách biệt tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH trên bảng cân đối kế toán (là báo cáo phản ánh tình hình tài chính) của DNBH
Quy định này giúp cho việc phản ánh đầy đủ thông tin về trách nhiệm, quyền của DNBH theo quy định tại Điều 27 Luật kinh doanh BH năm 2000 là: “DNBH chịu trách nhiệm duy nhất đối với bên mua BH theo hợp đồng BH, kể cả trong trường hợp tái BH những trách nhiệm đã nhận BH”. Do đó, trong trường hợp DN nhận tái BH không hoàn thành các nghĩa vụ tái BH thì DNBH vẫn phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với chủ hợp đồng BH theo hợp đồng BH gốc. Vì vậy, việc trình bày tách biệt tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH trên bảng cân đối kế toán là để phản ánh đầy đủ trách nhiệm của DNBH đối với chủ hợp đồng BH. Ngoài ra, việc trình bày tài sản tái BH là để phản ánh phần phải thu từ DN nhận tái BH. Nếu DN nhận tái BH không có khả năng thực hiện phần trách nhiệm của mình thì DN nhượng tái BH sẽ không thu hồi được phần thiệt hại thuộc trách nhiệm bồi thường của DN nhận tái BH, nhưng vẫn chịu trách nhiệm đền bù toàn bộ thiệt hại đối với chủ hợp đồng BH gốc và sẽ phải ghi nhận phần thiệt hại do không thu hồi được từ DN nhận tái BH theo hợp đồng tái BH. Quy định này khắc phục được hạn chế trong chế độ BCTC trước đây là khi trình bày trên bảng cân đối kế toán, DNBH thực hiện bù trừ các tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH, nên không phản ánh đúng tình hình tài chính của họ. Trên thế giới, tất cả các DNBH đều ghi nhận và trình bày tách biệt khoản mục tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH trên bảng cân đối kế toán.
Quy định các số liệu, thông tin DNBH phải thuyết minh trên BCTC
Thứ nhất, thuyết minh rõ ràng các thông tin giúp xác định và giải thích các số liệu trong BCTC của DNBH phát sinh từ các hợp đồng BH, gồm:
* Thuyết minh các chính sách kế toán của DNBH như: Phương pháp ghi nhận doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng nghiệp vụ…, phương pháp và cách xử lý đối với doanh thu phí BH của các hợp đồng tái tục.
* Trình bày trên thuyết minh BCTC các tài sản, nợ phải trả phát sinh từ các hợp đồng BH cho từng loại hoạt động kinh doanh BH gốc, nhận tái và nhượng tái BH.
* Về doanh thu, chi phí: Để đánh giá khả năng khai thác BH gốc, khả năng nhận tái BH và kết quả hoạt động kinh doanh nhận tái và nhượng tái BH cũng như mức độ phụ thuộc của BH, DNBH phải thuyết minh các thông tin cho từng nghiệp vụ BH quan trọng theo quy định của pháp luật về kinh doanh BH.
* Thuyết minh các giả định được sử dụng có ảnh hưởng lớn đến phương pháp tính toán ghi nhận tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí phát sinh từ các hợp đồng BH và sự thay đổi của từng giả định được sử dụng có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC.
Thứ hai, thuyết minh các thông tin về giá trị, thời gian và biến động các luồng tiền tương lai của DNBH, gồm:
* Thuyết minh các thông tin về giá trị, thời gian và biến động các luồng tiền trong tương lai dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản sau: (i) Cần có sự cân bằng giữa các thuyết minh mang tính định lượng và định tính để giúp người sử dụng BCTC hiểu bản chất các rủi ro có thể xảy ra và tác động tiềm tàng của chúng; (ii) Các thuyết minh cần phù hợp với nhận thức của ban giám đốc về rủi ro BH và các biện pháp của DNBH để giảm bớt các rủi ro này.
* Thuyết minh các thông tin về rủi ro BH và chính sách quản lý rủi ro của DNBH, thuyết minh tình hình bồi thường tổn thất của DNBH, gồm:
1. Thuyết minh rủi ro BH và phân tích mức độ tập trung của các rủi ro BH, cụ thể:
– Thuyết minh rủi ro BH theo từng lĩnh vực kinh doanh BH gốc, nhận tái và nhượng tái BH, theo từng loại nghiệp vụ BH và theo từng khu vực địa lý.
– Thuyết minh các thông tin về rủi ro BH có ảnh hưởng trọng yếu làm thay đổi kết quả kinh doanh và vốn chủ sở hữu của DNBH. Mối tương quan hoặc sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các loại rủi ro khác nhau và các thông tin cả rủi ro trước cũng như sau khi đã điều chỉnh bởi hoạt động nhượng tái BH.
– Phân tích mức độ tập trung của các rủi ro BH, bao gồm mô tả việc ban lãnh đạo quyết định mức độ tập trung và mô tả về tính chất chung có thể xác định đối với mỗi loại (ví dụ loại sự kiện BH, khu vực địa lý hoặc loại tiền tệ). Mức độ tập trung của các rủi ro BH có thể phát sinh từ một hợp đồng rủi ro đơn lẻ hoặc một số hợp đồng có liên quan, như hợp đồng có rủi ro thấp nhưng mức độ nghiêm trọng lớn như rủi ro động đất. Một sự cố đơn lẻ nhưng mang lại rủi ro cho DNBH theo nhiều loại hợp đồng BH khác nhau. Các thay đổi ngoài dự kiến như hành vi của bên mua BH hoặc thay đổi của thị trường tài chính làm cho chủ hợp đồng BH chọn cơ hội tốt hơn. Rủi ro về kiện tụng và thay đổi luật pháp có thể phát sinh các khoản chi phí hoặc ảnh hưởng lớn tới rất nhiều hợp đồng BH.
2. Thuyết minh về phân tích độ nhạy của các rủi ro BH, cụ thể:
– Phân tích về độ nhạy thể hiện việc lãi hoặc lỗ và vốn chủ sở hữu có thể bị ảnh hưởng nếu như có sự thay đổi của các biến số rủi ro có liên quan tại ngày lập BCTC, các phương pháp và giả định được sử dụng trong việc lập phân tích độ nhạy; các thay đổi về phương pháp và các giả định được sử dụng so với các giai đoạn trước đó.
– Thông tin định tính về độ nhạy, các thông tin về điều khoản và điều kiện của hợp đồng BH có ảnh hưởng trọng yếu đến giá trị, thời gian và tính không chắc chắn của các luồng tiền trong tương lai của DNBH.
3. Thuyết minh chính sách của DNBH để giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ các hợp đồng BH. Theo đó, DNBH phải thuyết minh chính sách chấp nhận rủi ro khi lựa chọn và phê duyệt các rủi ro được BH, mức độ đảm bảo tính phù hợp giữa phân loại rủi ro và mức trách nhiệm BH, phương pháp định giá và quản lý rủi ro phát sinh cho cả 2 loại rủi ro chi tiết và tổng thể, các phương pháp sử dụng để hạn chế hoặc chuyển giao rủi ro như việc sử dụng các giới hạn và nhượng tái BH, các cam kết huy động vốn vay hoặc vốn góp để chi trả khi cần thiết.
4. Thuyết minh về tình hình bồi thường tổn thất của DNBH để so sánh các khoản bồi thường thực tế so với số liệu ước tính trước đây thông qua “Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường”. Bảng này phải trình bày cho 5 năm liên tiếp để cung cấp các thông tin hữu ích nhằm xem xét, đánh giá xem DNBH có đảm bảo tính thận trọng không, đồng thời giúp người sử dụng BCTC biết được trong quá khứ cho đến năm tài chính hiện hành, DNBH có thay đổi tính thận trọng không và xu hướng thay đổi sẽ ảnh hưởng đến BCTC như thế nào.
Tóm lại, DNBH là đơn vị có liên quan nhiều đến công chúng, nên BCTC phải được lập và trình bày cho phù hợp với Chuẩn mực quốc tế về BCTC để góp phần tạo dựng thông tin minh bạch cho thị trường tài chính, giúp các DNBH Việt Nam dễ dàng hội nhập với thị trường quốc tế. Trên thực tế, thông lệ về kế toán đối với các hợp đồng BH rất đa dạng và IASB chưa đề cập trong IFRS 4. Với khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là CMKT số 19 về hợp đồng BH và Thông tư số 232 được ban hành trong những năm qua đã và sẽ giúp các DNBH nâng cao chất lượng BCTC, qua đó củng cố lòng tin của thị trường đối với hoạt động và sự minh bạch của các DN trong ngành này.