Theo thống kê, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và một lần cho trên 8.100 người lao động trong năm 2022 và gần 1.700 người lao động trong 3 tháng đầu năm 2023.
Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.
Là hai trong số những người hưởng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chính sách này. Chị Tin là nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.
Vào đêm ngày 15/12/2021, trong khi đang đẩy xe gom rác về điểm tập kết, chị Tin bị một xe ô tô bán tải đâm phải. Vụ tai nạn khiến chị Tin bị chấn thương sọ não. Chị Tin kể lại “Công ty cũng tạo điều kiện cho tôi nghỉ 2 tháng để điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, khi đi làm lại được 5 ngày, tôi bị ngất phải đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn. Sau 10 ngày điều trị, tôi làm đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo”.
Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, chị Tin được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hằng tháng, chị đều được nhận được số tiền trợ cấp 447.000 đồng. “Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định đã tạo động lực, giúp tôi yên tâm hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn. Được biết, từ tháng 7 năm nay, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì số tiền trợ cấp của tôi cũng cao hơn, lên 540.000 đồng” – chị Tin vui vẻ cho biết.
Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình. Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình.
Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào quỹ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn