2014 – Năm đại hạn của các hãng bảo hiểm hàng không

Kể từ sự kiện ngày 11/9 năm 2001, đây là năm thiệt hại tài chính nặng nề nhất cho các hãng bảo hiểm hàng không.

2014 - Năm đại hạn của các hãng bảo hiểm hàng không

Những ngày cuối năm 2014, hàng không thế giới thêm một lần rúng động bởi sự mất tích của chiếc máy bay Airbus 320 số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia Indonesia. Cụ thể, ngày 28/12, chiếc máy bay này bị mất liên lạc khi đang thực hiện lộ trình từ thành phố Surabaya đến Singapore, chở theo 162 người gồm 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. 

Có thể nói, năm 2014 là năm ác mộng với ngành hàng không. Và cũng là năm ngành bảo hiểm phải đối mặt với hao tổn tài chính nặng nề nhất tính từ vụ tấn công ngày 11/9/2001 khi khoản lỗ trong năm đang vượt quá 2 tỷ USD.

Sau vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi hồi tháng 7, các nhà môi giới bảo hiểm cao cấp cũng cảnh báo rằng nhiều khách hàng đang đòi bảo hiểm nhiều gấp 3 lần theo cái gọi là chính sách bảo hiểm “chiến tranh”.

Một số công ty bảo hiểm đang yêu cầu chi tiết đường bay chính xác và cân nhắc rút hoàn toàn một số loại hình bảo hiểm cho các chuyến bay qua điểm nóng ở Trung Đông và châu Phi.

Những thảm họa hàng không kinh hoàng của năm 2014 có thể khiến các hãng bảo hiểm toát mồ hôi hột gồm sự mất tích bí ẩn của máy bay của hãng Malaysia Airlines MH 370 hồi đầu tháng 3; Máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi tại Ukraine vào 17/7; Máy bay ATR72 của TransAsia Airways rơi do thời tiết xấu vào 23/7; rồi ngay ngày hôm sau 24/7 máy bay AH5017 của hãng hàng không Air Algerie chở hơn 100 người rơi tại Mali và đến vừa hôm qua 28/12 thì xảy ra sự cố với máy bay QZ 8501 của Indonesia Air Asia. 

Đáng chú ý, ngoài các vụ tai nạn, các hãng bảo hiểm hàng không năm nay còn hoảng hồn với những vụ mất tích máy bay như vụ máy bay MH370 của Malaysia Airlines hay chuyện xảy ra với máy bay QZ 8501 của Indonesia Air Asia. Việc tìm kiếm đối với MH370 vẫn chưa có tín hiệu lạc quan thì tiếp tục xảy ra sự cố với QZ 8501. Chưa kể, các công ty bảo hiểm hàng không thậm chí còn phải tính toán bảo hiểm cho những máy bay gặp sự cố liên quan tới hành vi thù địch như vụ máy bay Malaysia MH 17 bị bắn rơi.

Họ không còn dám duy trì loại hình bảo hiểm chiến tranh hàng không do những sự kiện kinh hoàng gần đây như thảm họa MH 17 với 298 người chết hay các cuộc chiến tại sân bay Tripoli ở Libya làm hư hại gần hai chục máy bay. Riêng số tiền chi trả cho bảo hiểm chiến tranh đã có thể đạt tới vài trăm triệu đô la.

So với bảo hiểm chiến tranh, các hãng hàng không thường chi nhiều gấp vài lần cho chính sách bảo hiểm toàn bộ rủi ro, đối với các hãng lớn thì số tiền còn lên tới hàng triệu đô la.

Chính sách toàn bộ rủi ro bao gồm khiếu nại trách nhiệm, bồi thường cho hành khách, chi phí pháp lý và thiệt hại vật chất với máy bay phát sinh không do hành vi thù địch.

Thiệt hại hao mòn (gây ra bởi những rủi ro thông thường như lỗi đụng phải đàn chim) thường lên tới 600 triệu USD hàng năm. Tổng thiệt hại của năm 2014 sẽ phải lên tới hơn 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng chi phí cụ thể vẫn chưa được chắc chắn vì thiệt hại vật chất có thể được giải quyết nhanh chóng nhưng bồi thường trách nhiệm thì phải mất vài năm để hoàn thiện. Bồi thường cho thân nhân còn phải phụ thuộc vào cả quốc tịch, thu nhập tiềm năng của nạn nhân trên máy bay.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo cafebiz.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.