Theo bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam đã cắt giảm các thủ tục hành chínhC xuống chỉ còn 33 thủ tục; số lượng hồ sơ giảm 56%; chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu giảm 82%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 78%. Ngoài ra, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế của các đơn vị, doanh nghiệp được rút ngắn từ 235 giờ xuống còn 81 giờ.
Bảo hiểm xã hội là lĩnh vực có nhiều phản hồi không tốt từ phía doanh nghiệp (Ảnh: Internet) |
Mới đây, sau khi Chính phủ ban hành quy định về hồ sơ điện tử hưởng BHXH, phía BHXH Việt Nam đã triển khai kế hoạch tổ chức thí điểm giao dịch điện tử ở một số tỉnh, thành phố lớn, trên cơ sở đó, đánh giá việc thực hiện thí điểm và nghiên cứu, đề xuất giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện. Sau khi thí điểm sẽ triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Mặc dù BHXH đã có những cải thiện đáng kể song lĩnh vực này vẫn được đánh giá là lĩnh vực còn nhiều phản hồi không tốt từ phía doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế, cho biết, qua kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp đã cho thấy, 100% doanh nghiệp Việt nam đang tránh đóng góp các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Theo đó, các doanh nghiệp “lách” bằng cách ký 2 hợp đồng lao động, trong đó HĐLĐ vì mục đích đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… được cơ bản theo lương tối thiểu. Trong khi đó 100% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ chế độ nộp bảo hiểm bắt buộc.
Cũng theo bà Cúc, qua khảo sát thì cả doanh nghiệp Việt nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có phản hồi không tốt về thưc hiện nghĩa vụ nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc.
“Bảo hiểm bắt buộc là yếu tố nhân văn, tính đến an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tuy nhiên do điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam còn khó khăn, người lao động chỉ lo có được thu nhập đủ sống trước mắt, nhưng mức phí bảo hiểm đóng hiện hành lại quá cao. Cụ thể, hiện tổng bảo hiểm bắt buộc phải đóng là 32,5%, trong đó người lao động phải đóng góp từ tiền lương- tiền công là 10,5%, và doanh nghiệp đóng góp tính vào chi phí 22% (BHXH:18%, BHYT: 3% và BHTN: 1%), ngoài ra còn phải đóng 2% kinh phí cho công đoàn. Nếu so sánh thì tỷ suất nộp bảo hiểm bắt buộc trên thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn 2 lần so với các nước Asean 6 là 24,8%/11%”, bà Cúc dẫn chứng.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cũng nói thêm, tỷ suất nộp các khoản bảo hiểm cao đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do làm tăng yếu tố chi phí tiền lương tiền công, đây được coi là lợi thế của Việt Nam.
Và theo Luật BHXH mới, mức đóng bảo hiểm còn được căn cứ vào tiền lương, tiền công thức tế. Do vậy, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện thu, chi BHXH còn nhiều công đoạn thủ công, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chưa cao, gây khó khăn cho người lao động
“Năm 2016, theo quy định của Luật BHXH mới, sẽ thay đổi một số quy định về thủ tục giải quyết chế độ ốm đau thai sản, thủ tục quản lý sổ BHXH, đồng thời phải kết hợp đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì các thủ tục hành chính cần rà soát cắt giảm phù hợp”, bà Cúc đề xuất.
Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nộp thuế và BHXH của Việt Nam đã giảm 102 giờ, cải thiện 4 bậc song so với các nước trong khu vực thứ hạng vẫn còn rất thấp.
Đáng chú ý là, tỷ lệ nộp thuế và BHXH trên lợi nhuận vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%. Trong đó bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp chiếm 24,8% và thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng là 14,5% và thuế khác là 0,1%.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo infonet.vn)