Là cơ quan quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với BHXH Bộ Quốc phòng, xin Thứ trưởng, Tổng Giám đốc đánh giá những đóng góp nổi bật của BHXH Bộ Quốc phòng trong 10 năm qua?
Thứ trưởng, TGĐ Nguyễn Thị Minh: Trong hệ thống các cơ quan thuộc Chính phủ, Ngành BHXH là một ngành mang nhiều đặc thù và ra đời muộn.
Sau 13 năm hệ thống BHXH hoạt động độc lập, BHXH Bộ Quốc phòng mới chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các bộ phận chuyên trách thực hiện BHXH tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Với đặc điểm đặc thù, BHXH Bộ Quốc phòng chỉ tổ chức một cấp thuộc Bộ, nhưng đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT bao gồm cả quân nhân và thân nhân quân nhân, cư trú trên toàn quốc, thường xuyên biến động;
Số thu BHXH lớn, trong điều kiện số lượng cán bộ, nhân viên rất hạn chế, thực hiện nhiệm vụ ngày càng tăng theo sự phát triển của pháp luật về BHXH, BHYT và yêu cầu nhiệm vụ;
Thể hiện sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm rất cao của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BHXH Bộ Quốc phòng trong 10 năm qua, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của BHXH Việt Nam và quan trọng hơn là góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong quân đội cũng như các chính sách BHXH, BHYT đối với hậu phương quân đội, thể hiện trên một số lĩnh vực chủ yếu như:
– BHXH Bộ Quốc phòng đã cùng với các đơn vị của BHXH Việt Nam làm tốt công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, đặc biệt là các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với các đối tượng đang công tác trong quân đội và thân nhân quân nhân.
Tham gia nghiên cứu có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT và các chính sách khác liên quan, bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT đối với bộ đội, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự và quy định của pháp luật.
– Mặc dù là đơn vị được thành lập muộn nhưng BHXH Bộ Quốc phòng đã thực hiện hết sức hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Từ tháng 01/2009, chỉ sau một thời gian ngắn bước vào hoạt động, BHXH Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất việc triển khai thực hiện BHTN đối với lao động hợp đồng toàn quân; chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội thực hiện BHXH tự nguyện đối với các đối tượng là cộng tác viên đa dịch vụ của Tập đoàn từ tháng 10/2009 (tính đến tháng 10/2014 có 29.349 lượt người tham gia BHXH tự nguyện).
Công tác thu nộp BHXH, BHYT nhanh chóng đi vào nền nếp, đúng quy định và tiến bộ hơn so với thời gian trước đó. Với mức thu bảo hiểm hằng năm lớn, việc thu nộp của Bộ Quốc phòng hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu do BHXH Việt Nam giao.
Nếu như mức thu năm 2008 đạt 79% kế hoạch năm, thì năm 2009 đã đạt được 98%; và từ năm 2010 đến nay, liên tục vượt với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Hằng tháng, số thu BHXH, BHYT bao gồm cả lãi phát sinh trên tài khoản thu, chi, đều được chuyển về BHXH Việt Nam quản lý tập trung, thống nhất theo đúng quy định.
– Giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về BHXH đối với quân nhân, người lao động trong Quân đội và thân nhân quân nhân tại ngũ. Quy trình lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ hưởng BHXH được tuân thủ nghiêm túc, đúng thẩm quyền, nâng cao chất lượng, ít sai sót.
Do cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng làm việc trực tiếp với cơ quan nhân sự các đơn vị trực thuộc Bộ và các doanh nghiệp nên việc giải quyết hưởng BHXH được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và chặt chẽ hơn;
Các trường hợp vướng mắc được trao đổi kịp thời, thấu đáo nên quyền lợi của đối tượng được bảo đảm ở mức tốt nhất, hạn chế việc giải quyết kéo dài, thắc mắc, khiếu nại.
Có nhiều ý kiến nhận định: Một trong những lĩnh vực công tác đã để lại dấu ấn trong hoạt động của BHXH Bộ Quốc phòng trong 10 năm qua là việc triển khai thành công Luật BHYT trong Quân đội. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc đánh giá như thế nào về nội dung công tác này?
Thứ trưởng, TGĐ Nguyễn Thị Minh: Từ năm 2010, BHXH Bộ Quốc phòng đã chính thức đề xuất với BHXH Việt Nam và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp cấp thẻ BHYT đối với 100% thân nhân quân nhân tại ngũ.
Việc BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân, thay cho trước đây các đơn vị phải mua thẻ BHYT tại địa phương, đã bảo đảm thời gian chuyển thẻ BHYT đến tay thân nhân quân nhân được thuận tiện, kịp thời hơn, quyền lợi về BHYT cho thân nhân quân nhân được bảo đảm tốt hơn, thân nhân quân nhân thêm tự hào, tin tưởng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Từ năm 2012, BHXH Bộ Quốc phòng mở rộng việc cấp thẻ BHYT cho một số đối tượng khác, như: sinh viên hệ dân sự các học viện, nhà trường quân đội; học viên đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn…;
Chủ động nghiên cứu, tham mưu triển khai Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT, thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị trong thời gian 19 tháng (từ tháng 12/2012 – 12/2014).
Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng góp phần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật BHYT đối với quân nhân và triển khai BHYT quân nhân theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.
Từ ngày 01/01/2016, quân nhân tại ngũ chính thức tham gia BHYT theo lộ trình quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. BHXH Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng làm tốt việc quán triệt, triển khai chế độ BHYT đối với quân nhân ở các đơn vị, doanh nghiệp, bước đầu có kết quả tốt.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Bộ Quốc phòng còn tổ chức ký hợp đồng và thực hiện giám định BHYT đối với các sở khám, chữa bệnh quân y được BHXH Việt Nam phân cấp ký hợp đồng; cấp kinh phí khám chữa bệnh và quyết toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh viện, bệnh xá.
Việc triển khai thực hiện BHYT trong Quân đội không chỉ giúp quân nhân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn mà còn huy động được lực lượng y tế trong Quân đội vốn rất hùng hậu tham gia vào việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đang ngày càng hoàn thiện và khẳng định vị trí trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh có những thay đổi hết sức lớn trong dịch chuyển thị trường lao động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây chính là thời cơ và cũng là thách thức đối với công tác BHXH, BHYT nói chung và công tác BHXH, BHYT trong Quân đội nói riêng. BHXH Bộ Quốc phòng cần có những đổi mới, bứt phá như thế nào để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới, thưa Tổng Giám đốc?
Thứ trưởng, TGĐ Nguyễn Thị Minh: Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho công tác BHXH, BHYT trong Quân đội; đặc biệt là việc hoàn thành bao phủ BHYT tới 100% quân nhân tại ngũ đòi hỏi BHXH Bộ Quốc phòng cần có những nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong công tác tham mưu cũng như đề xuất phương án tổ chức thực hiện;
Tiếp tục triển khai BHYT thân nhân công nhân viên chức quốc phòng theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong quản lý toàn bộ hoạt động nghiệp vụ BHXH, BHYT; triển khai việc cấp thẻ BHXH, BHYT điện tử;
Giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động khi thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH, BHYT ở các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đặc biệt, với vai trò là đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc, BHXH Bộ Quốc phòng cần tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã ký giữa BHXH Việt Nam và Bộ Quốc phòng,
Giúp cho Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và BHXH Việt Nam chỉ đạo, điều hành có hiệu quả công tác phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và BHXH Việt Nam trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; kịp thời bổ sung, sửa đổi Quy chế cho phù hợp vớinhững thay đổi của pháp luật nói chung và pháp luật về BHXH, BHYT;
Thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT; từ đó, bảo đảm tính hiệu quả, nhân văn của chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước; góp phần thiết thực hướng tới hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, và BHXH cho mọi người lao động.