Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát thực hiện BHYT

Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.

Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của bệnh viện. Chính sách BHYT Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia BHYT, với phần đóng góp của người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu BHYT, tạo nền móng quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện BHYT toàn dân (đạt 85-100%). Quỹ BHYT từ chỗ bị bội chi hơn 3.000 tỷ đồng đến năm 2012 đã cân đối và có dự phòng. Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân cả nước là gần 70%, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, 4 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 50%. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế. Nhiều hình thức lạm dụng Quỹ BHYT, nhất là tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, song chưa có công cụ và biện pháp hiệu quả kiểm soát vấn đề này. Công tác quản lý cũng như áp dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến thủ tục cho người bệnh còn hạn chế.

 

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng chi nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đặt tỷ lệ dân số tham gia BHYT là một chỉ tiêu của Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của Quốc hội; ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Các Bộ, ban, ngành hoàn thành việc hướng dẫn một số quy định thực hiện Luật BHYT; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh/thành phố triển khai các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt quan tâm các địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp. Các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố tăng cường kiểm soát chống cấp trùng thẻ BHYT, tổ chức đánh giá tổng kết và kiến nghị về mô hình tổ chức BHYT, cũng như mô hình y tế cấp cơ sở (tuyến huyện và xã) cho phù hợp thực tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo của Đoàn giám sát đã thể hiện tương đối đầy đủ về bức tranh thực trạng BHYT hiện nay. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo giám sát cần làm rõ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành, UBND các cấp trong lĩnh vực BHYT; nêu các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập, dẫn chứng cụ thể các trường hợp làm tốt hoặc chưa tốt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân có thẻ BHYT, việc cấp phát thuốc…

 

Chiều 11/9, UBTVQH đã cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này sẽ khắc phục những bất cập nảy sinh trong một số quy định về đối tượng, hình thức tham gia; phạm vi quyền lợi và mức hưởng; việc tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện BHYT, từng bước thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Về cơ bản, các ý kiến thành viên UBTVQH nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với quan điểm sửa Luật phải nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo cơ chế để huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng với người dân để thực hiện cơ bản việc mở rộng diện bao phủ tiến tới BHYT toàn dân, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Các ý kiến cho rằng BHYT thực chất là cơ chế tài chính chi trả trước nhằm mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển. Vì vậy, trong quá trình phát triển, cơ chế BHYT cần được sửa đổi kịp thời và thường xuyên để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn khác nhau.

Theo Chinhphuvn
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.