Công tác truyền thông, tuyên tuyền giúp người dân nhận thức tốt hơn về chính sách BHXH, BHYT, chuyển tải được vai trò, ý nghĩa của chính sách đối với đời sống của nhân dân, tính chia sẻ cộng đồng và những lợi ích cụ thể, thiết thực.
Vừa qua, Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) với chủ đề “Công nghệ thông tin và Truyền thông: Trao quyền đổi mới an sinh xã hội” được tổ chức tại Brunei.
BHXH Việt Nam hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, Tổng thư ký ASSA 2018 – 2019. Các nội dung được trao đổi, thảo luận tại hội nghị cho thấy, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển an sinh xã hội.
Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh, thời gian qua, ngành BHXH đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN).
Tính đến hết tháng 6/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,48 triệu người, BHXH tự nguyện 405.000 người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 12,7 triệu người, bảo hiểm y tế 84,7 triệu người.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan BHXH đã giải quyết hàng triệu hồ sơ hưởng các chế độ BHXH như lương hưu, trợ cấp, chế độ thai sản, ốm đau, thất nghiệp. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 86,73 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú.
Theo ông Ðào Việt Ánh, để đạt được những kết quả đó, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT có vai trò không nhỏ. BHXH Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hình thức và nội dung truyền thông cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân. Nhận thức của đa số nhân dân về chính sách BHXH, BHYT đã được nâng lên.
Riêng đối với công tác BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 89,3%. Theo ông Ðào Việt Ánh, đây là kết quả nỗ lực của toàn hệ thống BHXH. Tuy nhiên, để hướng tới chính sách bảo hiểm toàn dân, 100% người dân tham gia BHYT thì cần thêm nhiều giải pháp.
Không ít người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó, một bộ phận chưa tham gia do nguyên nhân khó khăn về kinh tế, một bộ phận do nhận thức.
Chẳng hạn, đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, tỷ lệ bao phủ BHYT có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm, nhưng vẫn còn 6% chưa tham gia, tập trung ở ở đối tượng sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học từ năm thứ hai trở lên.
Ở độ tuổi này, với tâm lý chủ quan về sức khỏe cho nên nhiều em chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là cần thiết cho chính mình và cộng đồng, không thực hiện nguyên lý là bảo hiểm khi trẻ khỏe để thụ hưởng khi ốm đau, bệnh tật.
Ðiều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, khiến một bộ phận không nhỏ người dân có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.
Ðể ngày càng nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng, BHXH Việt Nam thường xuyên thực hiện các chương trình tuyên truyền về các nội dung trên, đặc biệt là truyền thông về quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Các hoạt động truyền thông giúp người dân chưa tham gia BHYT hiểu được chi phí khám chữa bệnh là gánh nặng quá lớn, nhất là đối với người nghèo khi ốm đau bệnh tật, phải điều trị dài ngày, từ đó hiểu, nhận thức sâu sắc hơn về chính sách, chủ động tham gia BHYT.
Tuyên truyền về những nội dung có liên quan đến thực hiện BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên góp phần phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo ông Ðào Việt Ánh, sự nỗ lực của ngành BHXH cũng như các cơ quan liên quan đã góp phần phát triển liên tục đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, thời gian tới, BHXH Việt Nam cần phải làm tốt hơn nữa, hợp tác hơn nữa với các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân, để BHXH, BHYT toàn dân nhanh chóng trở thành hiện thực.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn