Thị trường bảo hiểm Việt Nam nỗ lực cán đích

Trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhất định, tốc độ tăng trưởng toàn ngành giảm so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng của các ngành khác, ngành bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 40.858 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.942 tỷ đồng, tăng 11,5% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916, tăng 12% so với năm 2011.

THỜI BÁO TÀI CHÍNH VIỆT NAM:

Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Bảo hiểm Việt Nam(18/12/1993- 18/12/2012)

“Chung sức” vượt khó 

Trên thực tế, năm 2012 đã được dự báo là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng bị ảnh hưởng do khách hàng hạn chế nhu cầu mua bảo hiểm, đặc biệt là các khách hàng cá nhân. Thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm làm giảm cơ hội đầu tư sinh lời của chính DNBH. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, một loạt các giải pháp đồng bộ đã được các DNBH tính đến trong đó tập trung đến việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh khai thác các sản phẩm bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe và y tế, trách nhiệm, bảo hiểm cho người lao động do chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm đã tạo ra phân khúc thị trường mới, tạo nên sự tăng trưởng cho thị trường bảo hiểm. Chỉ riêng trong quý III và quý IV/2012 thị trường đã đón nhận hàng chục sản phẩm bảo hiểm mới, nhất là trong lĩnh vực nhân thọ và đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, công tác quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được DNBH quan tâm hơn.

Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc chia sẻ: Nhiều DNBH đã tìm thấy cơ hội trong khó khăn và mở rộng hợp tác với các đối tác, điển hình như PVI liên doanh với Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Sun Life Financial của Canada (PVI góp 51% vốn điều lệ) và trở thành DNBH nhân thọ thứ 15 của thị trường bảo hiểm. Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) tự tái cơ cấu lại và sắp xếp lại mô hình tổ chức quản lý kinh doanh bảo hiểm để đạt hiệu qủa cao nhất. Công ty Bảo hiểm AAA lựa chọn đối tác chiến lược là Tập đoàn IAG của Australia và chuyển nhượng được 30% cổ phần công ty cho đối tác, tạo đà cho công ty phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, DNBH rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng khâu chăm sóc khách hàng với việc xây dựng các quy trình từ khai thác, giám định, giải quyết bồi thường, cải tiến website theo hướng công khai minh, minh bạch giúp khách hàng yên tâm khi tham gia bảo hiểm.

Đến thời điểm hiện nay, nhiều DNBH trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ cũng đã thông báo về việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra. Mặc dù mức tăng trưởng không được như mong đợi nhưng các chuyên gia trong ngành đều đánh giá là phát triển khá bền vững. Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm thì năm 2012  tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 15.856 tỷ đồng, trong đó các DNBH nhân thọ ước đạt 6.679 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ ước đạt 9.177 tỷ đồng… đã góp phần hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Ông Mark Tucker, Tổng giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn AIA khẳng định: So với các nước phương Tây cơ hội của Việt Nam rất mạnh mẽ. Lời khuyên của tôi là cần tin tưởng vững vàng vào cơ hội đang ở phía trước vì chu kỳ khủng hoảng ở Việt Nam sẽ ngắn hơn so với những nước phương Tây. Đối với bản thân tôi, tôi vẫn luôn rất tin tưởng về triển vọng của Việt Nam.

Tăng cường các điều kiện nền tảng pháp lý

Có thể nói năm 2012, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm (KDBH) đã được hoàn thiện thêm một bước, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường cũng như cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DNBH. Việc ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn về các nghiệp vụ chuyên ngành như: Thông tư số 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Quyết định số 2330/QĐ-BTC ngày 18/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015; Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới… Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng ngày càng đi vào nền nếp và chuyên nghiệp hơn, tạo phân khúc thị trường mới cho ngành bảo hiểm phát triển. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh nhằm phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý, thu nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình giám sát hoạt động của thị trường, Cục đã tiếp nhận và xử lý kịp thời các yêu cầu phát sinh liên quan tới hoạt động của DNBH, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường.

Với những nỗ lực từ chính bản thân các DNBH và cơ quan quản lý đã góp phần giữ vững nguồn thu, đảm bảo mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế năm 2012. Đặc biệt, với việc tăng cường hoàn thiện các khung pháp lý, nâng cao vai trò quản lý giám sát của nhà nước  đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Trịnh Thanh Hoan – Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) .

Mặc dù khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các DNBH, cơ quan quản lý và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và an toàn, đảm bảo khả năng tài chính, chất lượng dịch vụ được cải thiện, sản phẩm bảo hiểm đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong thời gian tới cần sớm khắc phục những tồn tại như: Số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều song chưa đa dạng, nhiều mảng thị trường còn bỏ ngỏ hoặc chưa được quan tâm đúng mức như bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp… Các quy trình nghiệp vụ tuy được xây dựng song vẫn mang tính hình thức, chưa được triển khai thực hiện triệt để trong thực tiễn, dẫn đến hoạt động KDBH của một số DNBH trong nước chưa chuyên nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ quản lý giám sát tuy có bước phát triển nhưng cần tăng cường năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời phải có cơ chế thu hút cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm gắn bó lâu dài với cơ quan quản lý.

Năm 2013, nền kinh tế thế giới và Việt Nam dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm. Để đảm bảo thị trường tiếp tục duy trì sự ổn định, đạt mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh nỗ lực của chính DNBH, cơ quan quản lý sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp cơ bản như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường quản lý, giám sát nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện một số chương trình thí điểm bảo hiểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu… kỳ vọng thị trường bảo hiểm năm 2013 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.