Bên cạnh sự kiện Tập đoàn FWD, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ của Hồng Kông, chính thức gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua thương vụ mua lại Great Eastern của Singapore, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ những tháng đầu năm 2016 còn chứng kiến nhiều thay đổi cả về vị trí, thị phần, nhân sự, thương hiệu… của các hãng bảo hiểm, chẳng hạn việc Bảo Việt Nhân Thọ vượt qua Prudential để tạm chiếm giữ ngôi đầu, hay Prévoir Việt Nam có nhận diện thương hiệu mới sau khi “chia tay” VNPost… Tất cả những biến động này dự báo sự cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ càng gay gắt hơn trong thời gian tới.
Số liệu chính thức trong 5 tháng đầu năm 2016 của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Bảo Việt Nhân Thọ đạt 21,06%, tiếp đến là Prudential với 19,25%, các vị trí tiếp theo trong Top 5 lần lượt là Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam (mỗi doanh nghiệp chiếm hơn 10% thị phần).
Trong thị phần tổng doanh thu 5 tháng đầu năm, Bảo Việt Nhân Thọ cũng đang dẫn đầu với 28,1% thị phần, còn Prudential chiếm 26,2% thị phần… Việc Prudential để tuột mất ngôi vị số 1 vào tay Bảo Việt Nhân Thọ là điều được dự báo trước, khi mà Bảo Việt Nhân Thọ thời gian qua có nhiều thay đổi và bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là về nhân sự cấp cao.
Về thị phần, tính đến thời điểm này, ngoài sự đổi ngôi của Prudential và Bảo Việt Nhân Thọ, thị trường không có nhiều biến động đáng chú ý. Trong Top 5, sau 2 doanh nghiệp trên, các vị trí tiếp theo lần lượt là Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam khi vẫn đeo bám sát sao về thị phần trong nhiều năm qua. Ở nhóm thị phần nhỏ hơn, PVI Sun Life gây chú ý nhờ thị phần liên tục được cải thiện, trong khi Generali Việt Nam và Chubb Life cũng như “tân binh” FWD hứa hẹn sẽ có những chuyển động mới…
Prévoir Việt Nam, một hãng bảo hiểm của Pháp có thị phần còn khá nhỏ tại thị trường Việt Nam, cũng đang cho thấy những thay đổi tích cực từ khi ra mắt nhãn hiệu và khẩu hiệu mới. Trên thị trường bảo hiểm, Prévoir Việt Nam được biết đến thông qua việc bán bảo hiểm qua hệ thống bưu điện (VNPost). Tuy nhiên, hiện tại, Prévoir Việt Nam đã không còn bán sản phẩm qua kênh này, bởi Dai-ichi Life Việt Nam đã trở thành đối tác mới của hệ thống VNPost.
Được biết, sau khi thay đổi nhận diện mới, Prévoir Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để cung cấp cho thị trường các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chuyên biệt, bao gồm các sản phẩm nhân thọ có quyền lợi bảo vệ rủi ro, quyền lợi đầu tư và tiết kiệm cung cấp cho khách hàng thông qua kênh bảo hiểm liên kết với ngân hàng, các sản phẩm gắn với đối tác môi giới bảo hiểm và các kênh phân phối tiềm năng khác.
Trong một động thái khác, thị trường bảo hiểm Việt vừa đón nhận thêm một thành viên mới là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas, với vốn điều lệ đăng ký là 1.100 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Quân đội (MB) góp 671 tỷ đồng vốn, tương đương tỷ lệ sở hữu 61%, phần còn lại do 2 đối tác nước ngoài là Ageas Insurance International NV (Vương quốc Bỉ) góp 319 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ sở hữu 29% và Muang Thai Life Assurance Company Limited (Thái Lan) góp 110 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10%.
Theo các chuyên gia trong ngành, cạnh tranh gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra ở nhóm các doanh nghiệp lớn, khi đang chiếm khoảng 80% thị phần toàn thị trường. Đối với những doanh nghiệp nhỏ hơn, mặc dù đặt ra những mục tiêu khá tham vọng và có nhiều nỗ lực, nhưng để tăng trưởng được thị phần trong thời gian ngắn không phải là bài toán dễ dàng.
“Với dân số hơn 90 triệu người, song chưa nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ, cơ hội cho các công ty bảo hiểm tại thị trường Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, đặc biệt với các tên tuổi mới, là một thách thức lớn, bởi phần lớn thị phần đang nằm trong tay những thương hiệu lâu năm”, một chuyên gia nhìn nhận.
Ngoài MB Ageas, trên thị trường mới đây còn xuất hiện thông tin một hãng bảo hiểm tên tuổi đến từ châu Á, đã có văn phòng đại diện khá lâu tại Việt Nam, cũng rục rịch chuẩn bị tham gia thị trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hãng bảo hiểm này hiện vẫn “án binh bất động”. Trên thực tế, không chỉ nhà bảo hiểm này, còn khá nhiều hãng bảo hiểm có “số má” khác đang đứng ngoài quan sát, chứ chưa chính thức lộ diện.
theo tinnhanhchungkhoan.vn