Sáng ngày 04/11/2019, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức khai giảng khóa tập huấn về Đánh giá tài chính quỹ BHYT cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế đến từ 05 quốc gia: Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia.
Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ mở rộng bao phủ BHYT khu vực Đông Nam Á. Việc tổ chức khóa tập huấn về đánh giá tài chính quỹ BHYT nhằm cung cấp kiến thức về tầm quan trọng của việc đánh giá tài chính quỹ và tính toán định phí để đánh giá và giám sát tình hình tài chính của chính sách BHYT; hướng dẫn quản lý dữ liệu BHYT để thực hiện đánh giá tài chính và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện chất lượng dữ liệu; nâng cao kỹ năng đánh giá tài chính và tính toán định phí của các cơ quan chính quyền quốc gia và diễn giải các dự báo tài chính nhằm phát triển chính sách và quản lý dựa trên bằng chứng; thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các quốc gia.
Phát biểu khai giảng khóa đào tạo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, BHXH Việt Nam Nguyễn Tiến Thành cho biết, đây là khóa tập huấn đầu tiên về đánh giá tài chính quỹ BHYT được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho cán bộ làm công tác an sinh xã hội các quốc gia trong khu vực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và dài hạn về công tác đánh giá tài chính quỹ BHYT cho các quốc gia. Đây cũng là sự kiện quan trọng đánh dấu việc mở rộng các chương trình đào tạo quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ trong khu vực ASEAN, hướng tới Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam – 2020.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh, BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới. BHYT toàn dân mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Chính phủ các quốc gia hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Tại Việt Nam, chính sách BHYT đã được triển khai thực hiện từ năm 1992 bằng việc ban hành các nghị định của Chính phủ về thực hiện BHYT. Năm 2008, Luật BHYT đã được Quốc hội khóa 12 thông qua. Trong 10 năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 45% (năm 2009) lên 89,6%. Trong đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Tuy nhiên, cũng như một số quốc gia đang phát triển khác, BHXH Việt Nam cũng đang gặp một số hạn chế trong việc dự báo, cân đối tài chính quỹ BHYT, phương pháp luận, cách tiếp cận cũng như cấu trúc dữ liệu đối với công tác tính toán quỹ nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHYT một cách bền vững trên cơ sở những tính toán – dự báo một cách khoa học chính xác, tin cậy làm nền tảng cho việc xây dựng kiểm chứng và điều chỉnh chính sách phù hợp sự phát triển chung của Khu vực và Thế giới. Chính vì vậy, ông Nguyễn Tiến Thành cho rằng, khóa tập huấn sẽ là cơ hội tốt cho các học viên khu vực cập nhật, tiếp cận cả về lý thuyết và thực hành trong công tác dự báo, góp phần cho việc hoạch định chính sách BHYT hướng đến việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững để thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.
Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee khẳng định, ILO cam kết tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong khu vực mở rộng các chính sách, chiến lược, sáng kiến bảo vệ sức khỏe xã hội và các kỹ năng về đánh giá tài chính quỹ BHYT, đảm bảo quỹ BHYT phát triển, bền vững. Ông Chang Hee Lee hy vọng, khóa đào tạo là cơ hội để các học viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, những câu chuyện thành công trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, quản lý và sử dụng quỹ BHYT của đất nước mình, đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác xuyên quốc gia, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện của BHYT toàn cầu.
Khóa tập huấn về Đánh giá tài chính quỹ BHYT sẽ diễn ra trong 05 ngày, từ ngày 04-08/11/2019. Các giảng viên đến từ Trung tâm Đào tạo Quốc tế ILO, chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm ở các nước phát triển sẽ trình bày các nội dung về: Cơ sở lý luận cho việc tính toán định phí BHYT; Các khái niệm cơ bản và các biến số chính; Dữ liệu và giả định; Dự đoán định phí; Xây dựng, phân tích đánh giá tài chính và tính toán định phí; Hàm ý chính sách; Hiện trạng tại các quốc gia và kinh nghiệm thực tiễn./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn