Theo Báo cáo của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm (BH) ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước đạt 95.796 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,9%; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, hoạt động của thị trường bảo hiểm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
95.796 tỷ đồng đầu tư trở lại nền kinh tế
Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là 58 doanh nghiệp, trong đó gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng toàn thị trường ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 11.878 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 2,2 %; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 9.155 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng số tiền thực bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm 6 tháng năm 2013 ước là 8.630 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước là 4.045 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước là 4.585 tỷ đồng.
Tổng số tiền đầu tư 6 tháng năm 2013 ước đạt 95.796 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp nhân thọ đạt khoảng 70.996 tỷ đồng, doanh nghiệp phi nhân thọ đạt khoảng 24.800 tỷ đồng.
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới uớc tính 6 tháng đầu năm 2013 là hơn 2.804 tỷ đồng, tăng 26,1%; tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm đạt hơn 231 tỷ, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Đề án triển khai thí điểm BH nông nghiệp, BH tín dụng xuất khẩu sau khi thực hiện bước đầu đã đem lại những lợi ích thiết thực cho DN, nông dân. Việc thí điểm BH nông nghiệp đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với 234.235 hộ dân ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 80,8% là hộ nghèo). Các DN đã giải quyết bồi thường 6,3 tỷ đồng, còn phải bồi thường 2,8 tỷ đồng. Với BH vật nuôi, tổng số hộ tham gia là 29.163 hộ với đối tượng BH là 623.131 con trâu, bò, lợn, gia cầm, hiện đã bồi thường 2,3 tỷ đồng và còn phải bồi thường 258 triệu đồng… Kết quả đấy cho thấy, việc nhân rộng chương trình BHNN đã góp phần giúp người nông dân tiếp tục được hưởng những chính sách ưu đãi tốt nhất của Nhà nước.
Với Đề án bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK), trong 6 tháng đầu năm 2013, các DNBH trong chương trình thí điểm BHTDXK cấp được 21 hợp đồng BHTDXK gồm 16 hợp đồng tái tục và có hiệu lực từ năm 2012 chuyển sang và 5 hợp đồng được cấp mới với tổng giá trị bảo hiểm là 6.825 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm là 12,6 tỷ đồng.
Quyết tâm phòng chống trục lợi bảo hiểm
Xác định hoạt động giám sát rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm là công tác có ý nghĩa then chốt trong việc bảo đảm ý nghĩa và sự phát triển bền vững của các loại hình bảo hiểm, Cục QLBH đã xây dựng kế hoạch chi tiết thanh tra, kiểm tra để triển khai trên cơ sở chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2013 trình Bộ trưởng phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Cục QLBH đã thành lập Đoàn Thanh tra và đang tiến hành thanh tra Công ty liên doanh Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine. Đồng thời, Cục QLBH đã lưu hành kết luận Thanh tra Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC). Qua thanh tra đã kiến nghị với doanh nghiệp chấn chỉnh các sai phạm. Trong đó, kiến nghị xử lý về tài chính bao gồm: Hạch toán tăng thu nhập số tiền là 2.247.056.029 đồng; Hạch toán giảm chi phí số tiền là 3.623.630.420 đồng; Hạch toán tăng chi phí số tiền là 134.185.000 đồng; Kiến nghị thu nộp bổ sung vào NSNN số tiền là 1.434.125.362 đồng.
Về theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý về thanh tra, Cục QLBH đã tiến hành làm việc với Công ty TNHH Manulife Việt Nam, Công ty TNHH Aon Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra tại 02 đơn vị này trong năm 2012. Về cơ bản hai công ty đã thực hiện nghiêm các kiến nghị qua thanh tra cả về công tác quản trị, điều hành, quản lý tài chính, xử lý vi phạm hành chính và nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, một số DNBH thực hiện bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới với mức phí thấp hơn biểu phí do Bộ Tài chính quy định. Đây là hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính.
Cục QLBH đã trình Bộ ký Công văn số 4023/BTC-QLBH ngày 03/4/2013 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm quán triệt, tuân thủ biểu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Đồng thời, Cục QLBH đã phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tổ chức 3 đợt kiểm tra trên 10 tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.
Có thể thấy, công tác quản lý, giám sát thị trường tiếp tục được tăng cường trong thời gian qua. Việc xử lý các công việc phát sinh liên quan tới doanh nghiệp được Cục tiến hành kịp thời. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường được tăng cường, từ đó tạo được niềm tin từ phía người sử dụng BH cũng như phát huy được lợi ích từ những đề án BH.
Nguồn: taichinhdientu.vn
Bảo Hiểm Bảo Việt