Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn dần, thị trường dần trở nên chật chội hơn với cả hai khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Trong bối cảnh đó, các công ty bảo hiểm đang nỗ lực “tự làm mới” mình bằng các sản phẩm mới chú trọng vào chất lượng dịch vụ và tính tiện ích để thu hút khách hàng.
Năm 2012, chỉ tính riêng khối bảo hiểm nhân thọ đã có trên 30 sản phẩm bảo hiểm mới được phê chuẩn, chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ. Theo Bộ Tài chính, năm 2013, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục tăng trưởng, các sản phẩm bảo hiểm truyền thống và bảo hiểm dành cho người nghèo có xu hướng tăng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu và hợp đồng khai thác mới. Các doanh nghiệp bắt đầu chú trọng đến phát triển sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hưu trí, sử dụng các kênh phân phối khác như môi giới, ngân hàng, tập trung vào bên mua bảo hiểm là tổ chức.
Cả hai khối bảo hiểm đều tích cực thay đổi sản phẩm để thích ứng với tình hình thị trường
Các doanh nghiệp khối bảo hiểm phi nhân thọ cũng tích cực thay đổi sản phẩm để thích ứng với tình hình thị trường từ giữa năm 2012. Song song với hoạt động tái cơ cấu mô hình kinh doanh, mở rộng kênh phân phối, dịch vụ, các doanh nghiệp bảo hiểm khối này còn tập trung phát triển sản phẩm mới với những sản phẩm bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm trách nhiệm như bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, sản phẩm công cộng… Cũng dễ hiểu vì sao có sự chuyển dịch đồng loạt này. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng nói chung rất thấp, các ngân hàng hạn chế giải ngân tài trợ cho các dự án đầu tư mới nên việc khai thác bán các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến tín dụng cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Trong khi đó, động thái thắt chặt chi tiêu công khiến rất ít dự án đầu tư mới được khởi công, dẫn đến nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt tăng trưởng âm. Còn nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tàu, dù doanh thu cao nhưng tỷ lệ bồi thường cũng cao, hơn nữa các doanh nghiệp trong ngành hàng hải gặp rất nhiều khó khăn, nên việc thu phí bảo hiểm là không dễ dàng.
Chuyển hướng sang các sản phẩm mới không chỉ là phương án gỡ khó trong bối cảnh những sản phẩm được coi là chủ lực của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ rơi vào tình trạng không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, mà phát triển các sản phẩm mới còn được coi là một phương án phân tán rủi ro, bởi thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm ở một số sản phẩm như xe cơ giới hay bảo hiểm sức khỏe trở nên trầm trọng.
Chính vì thế, thị trường đã chứng kiến sự nở rộ của các sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm mất cắp hay cháy nổ xe máy, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trách nhiệm (bác sĩ, luật sư, giám đốc), bảo hiểm doanh nghiệp… Thực tế, đây không phải là các sản phẩm bảo hiểm quá mới trên thị trường, nhưng giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng cao trước đó (là thời điểm “hái ra tiền” của các sản phẩm bảo hiểm tín dụng, xây dựng, bảo hiểm hàng hóa, tài sản kỹ thuật hay bảo hiểm hàng hải…), nên những sản phẩm này khá trầm lắng, chưa được các doanh nghiệp chú tâm khai thác, đẩy mạnh ra thị trường.
Những sản phẩm bảo hiểm tương tự như bảo hiểm trách nhiệm bác sĩ hiện đang rất phổ biến ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, với nhiều mặt tính cực, hỗ trợ đặc biệt của nó. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường cho sản phẩm này còn rất rộng lớn. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ khai thác. Hay như bảo hiểm nhà tư nhân, mức phí không quá cao. Chẳng hạn, mức phí dành cho “Bảo hiểm nhà tư nhân” của Bảo Minh hiện nay chỉ từ 100.000 đồng và tỷ lệ phí dành cho sản phẩm này dao động trong khoảng 0,1 – 0,2% tổng giá trị ngôi nhà. Mức phí này hoàn toàn phù hợp với thu nhập của đa số người dân Việt Nam, nhưng có lẽ do công tác quảng bá sản phẩm của các công ty bảo hiểm còn chưa đúng mức, nên sản phẩm tiềm năng như vậy cũng chưa được người dân quan tâm sử dụng.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cùng với việc quảng bá những sản phẩm thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực và bộ máy tổ chức để phát triển bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sau thời gian thí điểm (năm 2014), bảo hiểm nhà máy điện hạt nhân, bảo hiểm tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. Với khối bảo hiểm nhân thọ, đó là các sản phẩm bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm nhân thọ do chủ sử dụng lao động mua cho người lao động.