Lỗ do khuyến mãi?
Số liệu báo cáo của các DN bảo hiểm phi nhân thọ gửi về Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, số lỗ bảo hiểm vật chất xe ô tô trong 3 năm 2010 – 2012 là 900 tỷ đồng, chiếm 13% doanh thu (tổng doanh thu đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng). Với các chương trình khuyến mãi “khủng” liên tiếp diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không kiểm soát, chấn chỉnh kịp thời, số lỗ trên sẽ tiếp tục tăng.
Trao đổi với ĐTCK, một số DN có nghiệp vụ bảo hiểm chất xe ô tô cho biết, các DN đều tính toán kỹ lưỡng giữa chi phí bỏ ra cho một chương trình khuyến mãi với doanh thu/lợi nhuận thu về từ chương trình, nên không có chuyện lỗ nghiệp vụ do khuyến mãi.
“Chi phí bỏ ra cho một chương trình khuyến mãi khoảng 1% doanh thu phí bảo hiểm thu về là có thể chấp nhận được. Lỗ hay không vẫn là do khâu bồi thường. Nếu quản lý bồi thường lỏng lẻo thì lỗ là không tránh khỏi, chứ không phải do khuyến mãi. Khuyến mãi cũng là để mang lại quyền lợi cho khách hàng”, CEO một DN bảo hiểm nói.
Về bồi thường bảo hiểm nói chung, năm 2013, theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền thực bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước khoảng 10.796 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc ở mức 44,3%, cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc năm 2012 (38,8%). Có 20/29 DN bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 9 DN bảo hiểm còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó một số DN có tỷ lệ thực bồi thường gốc cao trên 100% và cao hơn nhiều so với năm 2012 như: ABIC (142% do bồi thường vụ tổn thất tàu Vinalines Queen 571 tỷ đồng), Xuân Thành (155%).
Xét từng nghiệp vụ, trong năm 2013, nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp chiếm tỷ trọng phí bảo hiểm rất thấp (1% tổng phí bảo hiểm toàn thị trường), nhưng là nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao nhất (330%); tiếp đến là nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (108%), bảo hiểm cháy nổ (54%), bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính (52%). Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đứng vị trí thứ 5 về bồi thường bảo hiểm gốc, với 47%. Trong khi đó, đây là nghiệp vụ bảo hiểm mang lại doanh thu lớn nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, với 6.821 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,3%, sau đó là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại. Bảo hiểm Bảo Việt dẫn đầu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, với doanh thu tăng trưởng 7%.
Cơ quan quản lý sẽ ra tay
Trước khoản lỗ 900 tỷ đồng nêu trên, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các DN bảo hiểm xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô trình Bộ theo đúng quy định để đảm bảo khả năng thanh toán và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Sau khi phê duyệt quy tắc, điều khoản, biểu phí cho từng DN bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra tính tuân thủ và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Liên quan đến bảo hiểm vật chất xe ô tô, Công ty FPT đã phối hợp với chủ đầu tư và ban quản lý dự án hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho nghiệp vụ bảo hiểm này nhằm cung cấp các báo cáo, phân tích, truy cập thông tin để giải quyết bồi thường nhanh chóng, chính xác, đồng thời đánh giá được rủi ro định phí bảo hiểm cho từng chủ xe, loại xe, vùng miền và phòng chống trục lợi bảo hiểm.